NASA tiếp tục hoãn phóng sứ mệnh Mặt trăng Artemis 1
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) tiếp tục dời ngày phóng sứ mệnh Artemis 1 tới quỹ đạo Mặt trăng do sự cố rò rỉ nhiên liệu hydro.
Siêu tên lửa Hệ thống phóng vũ trụ (SLS) và tàu vũ trụ Orion của NASA đã được thiết lập để thực hiện sứ mệnh không người lái đầu tiên lên Mặt trăng. Vụ phóng được lên kế hoạch vào lúc 2 giờ 17 chiều 3.9 (giờ địa phương) tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida (Mỹ). Tuy nhiên, chuyến bay đã phải hoãn lại do sự cố rò rỉ nhiên liệu hydro được phát hiện khoảng 7 tiếng trước khi phóng.
Đây là lần hủy phóng thứ hai đối với sứ mệnh Artemis 1 trong tuần này. Hôm 29.8, siêu tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion đã không thể cất cánh do một trong 4 động cơ RS-25, được gọi là động cơ số 3, không thể đạt ngưỡng nhiệt phù hợp để khởi động.
NASA sẽ phải đợi sớm nhất đến thứ Hai tuần sau để thực hiện sứ mệnh Mặt trăng Artemis 1. Khoảng thời gian phóng thích hợp sẽ kéo dài trong 90 phút, bắt đầu từ 17 giờ 12 ngày 5.9 (giờ địa phương). NASA cũng có thể lùi lại một ngày vào lúc 18 giờ 57 ngày 6.9. Nếu cả hai cơ hội phóng này đều thất bại, NASA sẽ phải đợi đến tháng 10 cho nỗ lực tiếp theo.
Robert Cabana, Phó giám đốc NASA cho biết, gần 5 thập kỷ sau nhiệm vụ Apollo cuối cùng năm 1972, NASA thành lập chương trình Artemis nhằm đưa con người hạ cánh ở khu vực chưa khám phá trên Mặt trăng. Đây cũng là nhiệm vụ với những phương tiện mới của NASA như siêu tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion, kể từ khi cơ quan này ngừng hoạt động phi đội tàu con thoi hơn một thập kỷ trước.
Sứ mệnh đầu tiên Artemis 1 sẽ phóng tên lửa SLS dài 98 mét và tàu vũ trụ Orion trong sứ mệnh 42 ngày vòng quanh Mặt trăng và quay trở lại Trái đất vào ngày 10.10. Trong chuyến bay, tàu vũ trụ Orion sẽ bay 64.000 km phía ngoài Mặt trăng, xa hơn 48.000 km so với kỷ lục lập bởi tàu Apollo 13. Lộ trình này mô phỏng chuyến bay mà phi hành đoàn Artemis 2 sẽ thực hiện vào năm 2024. Đây sẽ là quãng đường xa nhất mà bất kỳ tàu vũ trụ chở người nào từng bay, theo NASA.
Các nhà quản lý sứ mệnh hôm 22.8 cho biết họ có ý định đẩy mạnh hoạt động của tàu vũ trụ Orion. Hành trình 42 ngày của sứ mệnh cũng dài hơn 10 ngày tiêu chuẩn của các chuyến bay mà NASA đã lên kế hoạch cho phi hành đoàn Artemis. Điều này sẽ giúp NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) có thời gian xác định các vấn đề cần giải quyết cho chuyến bay có phi hành đoàn đầu tiên.
Nhiệm vụ Artemis 1 sẽ kiểm tra mọi bộ phận mới giúp mục tiêu khám phá không gian sâu trong tương lai trở nên khả thi. Nhiệm vụ Artemis 2 là chuyến bay có phi hành đoàn mà NASA hy vọng sẽ diễn ra vào năm 2024. Artemis 3, chuyến hạ cánh đầu tiên lên Mặt trăng với phi hành đoàn, được nhắm mục tiêu vào năm 2025 và sẽ sử dụng tàu đổ bộ Starship của SpaceX. Nhiệm vụ này sẽ đưa các phi hành gia đến một trong 13 địa điểm tiềm năng ở cực Nam Mặt trăng. Nhưng cả hai nhiệm vụ Artemis 2 và 3, tất nhiên đều phụ thuộc vào cách Artemis 1 hoạt động.
Không phải là trùng hợp khi NASA đặt tên chương trình trở lại Mặt trăng là Artemis (tên người chị sinh đôi của thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp). Artemis sẽ tiếp nối chương trình Apollo nổi tiếng bằng cách phóng nhiệm vụ có người lái tới Mặt trăng nhưng theo cách mới. Mục tiêu của chương trình bao gồm đưa phi hành đoàn đa sắc tộc lên Mặt trăng và lần đầu tiên khám phá cực Nam chìm trong bóng tối. Chương trình tham vọng này cũng hướng tới thiết lập khu định cư bền vững trên Mặt trăng và tạo ra những hệ thống tái sử dụng cho phép con người khám phá sao Hỏa.