" Sát thủ hành tinh" đôi khi có thể mang chân dung... giống mặt Trời của chúng ta. Đó là những ngôi sao to lớn như ngôi sao mẹ của chúng ta, nhưng trẻ trung hơn rất nhiều và đang thực hiện những hành vi khó tưởng tượng: Thổi bay hết bầu khí quyển trên các hành tinh con trước khi sự sống kịp hoài thai, thậm chí là phá rối đĩa tiền hành tinh từ đầu khiến các hành tinh không ra đời nổi.
Các nhà khoa học NASA tin rằng nhiều ngôi sao có hoạt động từ tính mạnh có thể đã tự làm "sát thủ" và hủy hoại các hành tinh, ít nhất là trong giai đoạn đầu đời của nó, đó có thể là lý do các hành tinh thường trẻ hơn sao mẹ vài trăm triệu năm.
Đề điều tra ý tưởng, họ đã dùng Đài quan sát tia X Chandra để khảo sát lại cụm sao NGC 3293 và gần một chục cụm sao rực rỡ khác mà kính viễn vọng không gian Hubble (đồng điều hành với Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA) đã ghi lại cách đây nhiều năm.
Tổng cộng các cụm sao sáng chói này chứa hơn 6.000 ngôi sao trẻ hình thành cùng thời gian, chí mới 7-25 triệu năm tuổi. Chúng được đem đối chiếu với các ngôi sao khác còn trẻ hơn mà Chandra đã ghi nhận trước đó, khoảng 500.000 tuổi.
Những ngôi sao này đều là loại chứa một nguồn tia X cực mạnh được tạo ra bởi từ trường khốc liệt, có nguồn gốc từ phần lõi bùng nổ của một ngôi sao mới sinh.
Họ đã lập một biểu đồ cho thấy các ngôi sao ở độ tuổi khác nhau phát ra mức tia X khác nhau, cho thấy từ trường của chúng thay đổi nhanh theo độ tuổi. Ngôi sao càng nặng thì suy giảm từ trường càng nhanh.
Tốc độ suy giảm từ trường nhanh là một may mắn. Đối với NGC 3293 trong bức ảnh được NASA công bố tháng 12/2022, các ngôi sao đủ già thường phát ra từ trường vừa đủ và tạo ra một môi trường "êm ả" quanh nó, trong khi các ngôi sao đặc biệt trẻ phát ra bức xạ tia X và tia cực tím liên tục.
Nhưng bức xạ này đủ loại bỏ hoàn khí và bụi trong các đĩa bồi tụ hình thành sớm quanh chúng, do đó kìm hãm sự phát triển của các hành tinh khi chúng còn trẻ.
Nếu một hành tinh "xui xẻo" hình thành sớm khi ngôi sao còn là một "sát thủ hành tinh" hiếu chiến, bầu khí quyển của nó sẽ bị tước bỏ trừ khi tự sở hữu một từ trường mạnh để đánh trả, như trường hợp Trái Đất của chúng ta.
Phát hiện một lần nữa cho thấy vũ trụ là một môi trường thù địch và để một hành tinh ra đời theo cách của Trái Đất - ôn hòa và phù hợp cho sự sống, có từ quyển dày bảo vệ khỏi tia vũ trụ... là một may mắn hiếm có.
NGC 3293 nằm cách Trái Đất 8000 năm ánh sáng, trong chòm sao Carina (Sống thuyền). Năm 1751, nhà thiên văn học người Pháp Nicolas Lacaille là người đầu tiên phát hiện ra cụm sao này, tại nơi mà ngày nay là Nam Phi, bằng một kính thiên văn nhỏ chỉ 12mm. Nó là một trong những cụm sao sáng nhất trên bầu trời phía Nam, và có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường trong một đêm tối và trong.
Các cụm sao như NGC 3293 gồm các sao được hình thành gần như cùng một thời gian, khoảng cách tới Trái Đất tương đương nhau và cùng thoát ra khỏi đám mây khí và bụi, điều đó khiến chúng có thành phần hóa học tương tự nhau. Kêt quả các cụm như thế này là đối tượng lý tưởng để kiểm chứng lý thuyết tiến hóa sao.
Xem thêm video: NASA 'bắn' tiểu hành tinh để bảo vệ Trái đất (Nguồn: VTV24).
Thiên Trang (th)