NASA tuyên bố kết thúc sứ mệnh bay lịch sử trên Sao Hỏa
NASA cho biết hôm thứ Năm (25/1) rằng máy bay trực thăng robot nhỏ bé Ingenuity của họ đã không thể bay được nữa, qua đó kết thúc sứ mệnh bay trên Sao Hỏa. Vào năm 2021, nó đã trở thành máy bay đầu tiên đạt được chuyến bay có động cơ trên hành tinh khác.
"Thật buồn vui lẫn lộn khi tôi phải thông báo rằng Ingenuity… đã thực hiện chuyến bay cuối cùng trên Sao Hỏa", Quản trị viên NASA, Bill Nelson, cho biết trong một video đăng trên mạng xã hội.
Cơ quan vũ trụ Mỹ cho biết Ingenuity đã "hạ cánh khẩn cấp" trong chuyến bay cuối cùng. NASA cho biết thêm rằng trong chuyến bay cuối cùng của mình vào ngày 18 tháng 1, nó đã mất liên lạc với Perseverance, tàu thăm dò mà Ingenuity đã triển khai trên Sao Hỏa vào năm 2021.
Các kỹ sư tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA đã khôi phục liên lạc với Ingenuity vào ngày hôm sau và hình ảnh chụp vài ngày sau đó cho thấy một trong các cánh quạt bằng sợi carbon của nó bị hư hại.
Tàu thăm dò Perseverance mang theo Ingenuity khi hạ cánh xuống bề mặt Sao Hỏa vào tháng 2 năm 2021. Ban đầu, sứ mệnh này được dự kiến chỉ kéo dài 30 ngày, nhưng đã trở thành một nỗ lực khoa học kéo dài gần 2 năm với 72 chuyến bay.
Sau chuyến bay đầu tiên của Ingenuity vào tháng 4 năm 2021 - bay lượn trên bề mặt Sao Hỏa trong 39 giây - các quan chức của NASA đã ca ngợi thành tựu của chiếc máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời nặng 1,8 kg này sẽ giúp mở đường cho một phương thức khám phá mới trên hành tinh đỏ, cũng như Sao Kim và mặt trăng Titan của Sao Thổ.
Chiếc máy bay có hình dạng như chiếc hộp có bốn chân, được trang bị một chiếc dù và có hai cánh quạt. Nó được thiết kế để bay trong bầu khí quyển mỏng của Sao Hỏa, vốn đòi hỏi nhiều năng lượng hơn so với các loại máy bay tương tự trên Trái đất.
Trong chuyến bay đầu tiên đó, nó đã leo lên như được lập trình để đạt độ cao 3 mét so với bề mặt, sau đó lơ lửng tại chỗ trong khi xoay 96 độ trước khi hạ cánh an toàn. NASA đã so sánh nó với chuyến bay lịch sử đầu tiên năm 1903 của anh em nhà Wright.
Bùi Huy (theo NASA, Reuters)