NASA vừa lấy 'kho báu' vũ trụ lập tức mang vào phòng vô trùng: 'Tôi đã khóc'
Lần đầu tiên trong lịch sử, NASA đã lấy thành công 'kho báu' có một không hai về Trái đất.
NASA lấy thành công "kho báu" về Trái đất
Theo tin tức mới nhất từ CNN, tàu vũ trụ thuộc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) của Mỹ đã trả mẫu vật lấy từ tiểu hành tinh Bennu về Trái đất. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử NASA thực hiện sứ mệnh kỳ công này.
Một viên nang vũ trụ hình đĩa, màu đen - mang theo các vật liệu tiểu hành tinh có thể chứa manh mối về sự ra đời của Hệ Mặt trời - đã lao vào bầu khí quyển của Trái đất vào ngày 24/9 (giờ Mỹ) rồi đáp xuống mặt đất nhờ chiếc dù chuyên dụng xuống Khu thử nghiệm và huấn luyện Utah của Bộ Quốc phòng Mỹ gần Dugway, Utah.
Kết thúc hành trình kinh ngạc: 7 năm, với tổng 6.212.067.840 km.
Viên nang trả lại mẫu đã bị cháy đen bên ngoài do nhiệt độ khắc nghiệt mà nó gặp phải khi quay lại bầu khí quyển Trái đất, nhưng mẫu tiểu hành tinh bên trong vẫn được cách nhiệt an toàn. Ảnh: Keegan Barber/NASA
Tên tàu vũ trụ OSIRIS-REx, viết tắt của Nguồn gốc, Giải thích quang phổ, Nhận dạng tài nguyên, Bảo mật, Regolith Explorer - đã cất cánh từ Trái đất vào năm 2016 và bắt đầu quay quanh Bennu vào năm 2018.
Tàu vũ trụ đã thu thập mẫu vào năm 2020 và bắt đầu chuyến hành trình dài trở về Trái đất vào tháng 5/2021 và trở về nhà ngày 24/9/2023,CNN thông tin.
Được phóng ra từ tàu mẹ OSIRIS-REx ở độ cao 132km bốn giờ trước đó, viên nang trả mẫu rộng gần 80cm, nặng 50kg, chứa gần 250 gram đá và đất được thu thập vào năm 2020 từ tiểu hành tinh Bennu, đã lao vào bầu khí quyển với vận tốc 43.452km/h (tương đương 12.070m/s).
Trong hai phút tiếp theo, nó giảm tốc nhanh chóng trong ngọn lửa ma sát khí quyển khủng khiếp, tấm chắn nhiệt của viên nang chịu đựng nhiệt độ hơn 2.760 độ C và lực phanh gấp 32 lần lực hấp dẫn khi nó lao về Khu thử nghiệm và huấn luyện Utah, phía tây thành phố Salt Lake.
(Từ trái sang phải) Trưởng nhóm khoa học viên nang trả lại mẫu của NASA Scott Sandford, Người phụ trách vật liệu thiên văn của NASA Francis McCubbin và Điều tra viên chính OSIRIS-REx của Đại học Arizona, Dante Lauretta thu thập và chụp ảnh ngay sau khi viên nang hạ cánh. Ảnh: Keegan Barber/NASA
Sự kiện "đổ bộ" này khiến các nhà khoa học và kỹ sư NASA phải nín thở theo dõi. Bởi, một vụ tai nạn cho sứ mệnh tương tự đã xảy ra tại Utah năm 2004 khi dù không mở được. May mắn, viên nang vũ trụ của OSIRIS-REx đã sống sót và mở dù khi cách mặt đất 32km.
Mặc dù chiếc dù được mở sớm hơn dự kiến nhưng viên nang đã hạ cánh nhẹ nhàng xuống mặt đất với tốc độ gần 18km/h vào lúc 10h52 sáng giờ EDT ngày 24/9. Sứ mệnh thành công mỹ mãn!
"Xin chúc mừng nhóm OSIRIS-REx. Các bạn đã làm được điều đó" - Giám đốc NASA Bill Nelson hồ hởi cho biết.
"OSIRIS-REx đã mang về một điều phi thường - mẫu tiểu hành tinh lớn nhất từng nhận được trên Trái đất.
Sứ mệnh này chứng minh rằng NASA đã làm được những điều lớn lao, những điều truyền cảm hứng cho chúng ta, những điều đoàn kết chúng ta.
Đó không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Điều không thể đã trở thành có thể".
"Tôi bật khóc ngay khi biết cuộc hạ cánh đã thành công. Khoảnh khắc biết được viên nang tàu vũ trụ trở về nhà sau hành trình 7 năm khiến chúng tôi ngập tràn trong cảm giác choáng ngợp, nhẹ nhõm và biết ơn.
Viên nang đã trở về và chúng tôi đang có trong tay "kho báu khoa học" tuyệt vời nhất", chuyên viên Dante Lauretta, làm việc trong dự án này gần 20 năm cho biết.
Viên nang được đến một "phòng sạch", được đội kỹ thuật bảo vệ như kho báu. Ảnh: Lockheed Martin Space.
Căn phòng vô trùng, nơi chứa viên nang vừa trở về Trái đất của NASA. Ảnh: NASA
Rich Burns, Giám đốc dự án OSIRIS-REx tại Trung tâm bay không gian Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland, cho biết 4 máy bay trực thăng đã vận chuyển các đội nghiên cứu và phục hồi đến địa điểm hạ cánh và tiến hành đánh giá để đảm bảo viên nang không bị hư hại dưới bất kỳ hình thức nào.
Nhóm nghiên cứu xác nhận rằng khoang chứa không bị thủng trong quá trình hạ cánh.
Dante Lauretta cũng có mặt tại hiện trường, được giao nhiệm vụ mô tả đặc điểm môi trường xung quanh để ghi lại kỹ lưỡng thành phần hóa học của bãi đáp.
Kết quả ban đầu, viên nang còn nguyên vẹn và không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ lỗ hổng nào có thể khiến các chất ô nhiễm trên Trái đất lọt vào bên trong.
Sau khi điều đó được xác nhận, một chiếc trực thăng đã chở viên nang đến một "phòng sạch" (vô trùng) được lọc không khí tạm thời để bắt đầu tháo rời và chuẩn bị vận chuyển các mẫu đến phòng thí nghiệm phức tạp hơn tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở bang Houston vào ngày 25/9, giờ Mỹ.
Bí mật sự sống Trái đất sắp được giải mã
"Hôm nay là ngày kết thúc cuộc phiêu lưu kéo dài gần 20 năm của tôi. Sứ mệnh lấy mẫu Bennu của OSIRIS-REx đã hoàn thành", Dante Lauretta nói.
Các mẫu vật do OSIRIS-REx mang về – là bộ sưu tập vật chất ngoài Trái đất lớn nhất được tàu vũ trụ Mỹ đưa về Trái đất kể từ Chương trình Mặt trăng Apollo – là đại diện cho nguyên liệu cực kỳ nguyên thủy, hình thành nên Mặt trời và các vệ tinh của nó cách đây 4,5 tỷ năm.
Tiểu hành tinh Bennu có đường kính 500m, cách Trái đất 79.808.688km. Ảnh: NASA
"Chúng ta đang quay trở lại buổi bình minh của Hệ Mặt trời. Chúng ta đang tìm kiếm manh mối tại sao Trái đất là một thế giới có thể sinh sống được - "viên ngọc xanh" quý hiếm này có đại dương và bầu không khí bảo vệ.
Chúng tôi nghĩ rằng tất cả những vật chất đó đã được các tiểu hành tinh giàu carbon (như Bennu) này mang đến Trái đất từ rất sớm trong quá trình hình thành hệ hành tinh của chúng ta.
Và tất nhiên, câu hỏi lớn nhất, câu hỏi thúc đẩy các nghiên cứu khoa học của tôi suốt 20 năm qua, là nguồn gốc của sự sống.
Sự sống là gì? Nó bắt nguồn như thế nào? Và tại sao Trái đất lại là nơi có sự sống diễn ra?...
Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã mang về loại vật chất đó, có thể là đại diện của những hạt giống sự sống mà những tiểu hành tinh này có được vào thời kỳ đầu của lịch sử Trái đất" - Chuyên gia Dante Lauretta nhận định.
Hai tàu vũ trụ của Nhật Bản đã trả lại các mẫu vật nhỏ từ các tiểu hành tinh vào năm 2010 và 2020, nhưng tàu vũ trụ OSIRIS-REx là sứ mệnh đầu tiên như vậy do NASA thực hiện.
Sau phân tích ban đầu ở Houston, NASA sẽ chia sẻ các mẫu của tiểu hành tinh Bennu với các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.
Được trang bị ba camera, hai máy quang phổ, máy đo độ cao bằng laser và hệ thống chụp ảnh tia X, tàu vũ trụ OSIRIS-REx và viên nang trả mẫu đã được phóng ra ngoài vũ trụ bằng tên lửa Atlas V từ Cape Canaveral vào ngày 8/9/2016.
Để tiếp cận Bennu, tiểu hành tinh có quỹ đạo trong một mặt phẳng nghiêng so với Trái đất 6 độ, OSIRIS-REx đã bay vòng quanh Mặt trời và sau đó thực hiện chuyến bay ngang qua Trái đất hỗ trợ trọng lực tăng tốc vận tốc vào ngày 22/9/2017. Tàu vũ trụ cuối cùng đã bay vào quỹ đạo quanh Bennu vào cuối năm 2018.
Các nhà khoa học đã choáng váng trước những gì họ tìm thấy. Thay vì là một tiểu hành tinh với đất và đá hạt mịn bên trên, Bennu hóa ra là một đống gạch vụn được nén lỏng lẻo, hoạt động giống như một chất lỏng.
Sau khi lập bản đồ mở rộng để xác định điểm thu thập mẫu an toàn, OSIRIS-REx từ từ đi xuống bề mặt Bennu vào ngày 20/10/2020. Tàu vũ trụ sau đó triển khai một cánh tay robot dài 3,3 mét, có gắn cơ chế thu thập TAGSAM.
TAGSAM bắn một luồng khí nitơ xuống bề mặt, khuấy động đá và đất bên dưới rồi hút vật liệu vào bộ lọc của con tàu.
Sau đó, OSIRIS-REx lên đường trở về Trái đất. Ngày 24/9 trở thành ngày lịch sử của NASA khi cơ quan này thu thập mẫu vật Bennu thành công.
Sau khi nhả viên nang xuống Trái đất, tàu vũ trụ OSIRIS-REx đã bắn động cơ đẩy của nó 20 phút sau đó, tiếp tục hành trình đến tiểu hành tinh Apophis, dự kiến đến nơi vào năm 2029.
Với đường kính khoảng 365m, Apophis sẽ hướng về Trái Đất vào năm 2029. Tàu vũ trụ OSIRIS-REx, hiện được gọi là OSIRIS-Apophis Explorer, sẽ lao vào quỹ đạo quanh Apophis ngay sau khi tiểu hành tinh này bay ngang qua Trái đất, bắt đầu các quan sát mở rộng.
Nguồn: CBS News, CNN