NASA vừa phóng tàu vũ trụ hất văng 'mặt trăng' ngoài hành tinh
Tàu vũ trụ DART vừa tiến vào hành trình tự sát sau khi được tên lửa đẩy SpaceX Falcon 9 mang vào không gian thành công vào lúc 13 giờ 21 phút ngày 24-11, theo giờ Việt Nam.
Theo Live Science, DART sẽ tiến thẳng tới ''tiểu hành tinh đôi" Didymos và Dimorphos, bao gồm Didymos là tiểu hành tinh chính, trong khi Dimorphos nhỏ hơn nhiều và quay quanh Didymos như một mặt trăng. Nhiệm vụ của tàu vũ trụ là lao thẳng vào Dimorphos và hất văng vật thể này ra khỏi quỹ đạo của nó.
Cặp đôi tiểu hành tinh này cách Trái Đất khoảng 11 triệu km vào thời điểm DART dự kiến tiếp cận chúng.
Theo The New York Times, DART vừa được phóng thành công vào lúc 1 giờ 21 phút sáng 24-11 theo giờ Miền Đông của Mỹ, tức 13 giờ 21 phút ngày 24-11 theo giờ Việt Nam từ Căn cứ Lực lượng không gian Vandenberg gần Lompoc (California, Mỹ).
DART, còn gọi là "Thử nghiệm Chuyển hướng tiểu hành tinh", ra đời nhằm mục tiêu thử nghiệm một phương pháp phòng thủ Trái Đất. Nếu DART thành công, những tàu vũ trụ nhỏ giống như thế sẽ được sản xuất để sẵn sàng tiến tới các vật thể có nguy cơ gây nguy hiểm cho Trái Đất. Bởi lịch sử đã cho thấy, đôi khi các tiểu hành tinh lớn có thể gây nên thảm họa toàn cầu, ví dụ như tiểu hành tinh Chicxulub gây nên đại tuyệt chủng tiêu diệt toàn bộ khủng long.
Didymos và "mặt trăng" của nó là các vật thể gần Trái Đất (NEO), không được coi là mối đe dọa đối với chúng ta nhưng ở trong tình trạng phù hợp cho thử nghiệm. Dự kiến trong khoảng ngày 26-9 đến 1-10 năm 2022 DART sẽ tiếp cận được mục tiêu khi đang di chuyển với tốc độ 24.000 km/giờ.
Sau khi "mặt trăng" ngoài hành tinh bị chuyển hướng, nó sẽ tiếp tục được NASA đánh giá để có những cải tiến phù hợp trong những thử nghiệm và nhiệm vụ phòng thủ Trái Đất tương lai.