Nasdaq lao dốc, cổ phiếu Salesforce gây áp lực lớn lên nhóm công nghệ

Chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày 30/5 trong sắc đỏ, với chỉ số Nasdaq sụt giảm hơn 1%. Lĩnh vực công nghệ chịu áp lực lớn nhất, dẫn đầu đà giảm sau khi Salesforce công bố dự báo lợi nhuận đáng thất vọng…

Kết thúc phiên 30/5, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 330,06 điểm (-0,86%) xuống 38.111,48 điểm, S&P 500 mất 31,47 điểm (-0,60%) kết thúc ở mức 5.235,48 điểm, trong khi Nasdaq Composite trượt 183,50 điểm (-1,08%) còn 16.737,08 điểm.

Lĩnh vực công nghệ thuộc S&P 500 giảm 2,5% và là lực cản lớn nhất đối với chỉ số chuẩn. Lĩnh vực dịch vụ truyền thông giảm 1,1%, trong khi các lĩnh vực còn lại kết thúc ở mức cao hơn.

Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu HP bật tăng 17% sau khi công bố doanh thu quý hai tốt hơn mong đợi.

Tesla nhích 1,5% nhờ tin tức về việc công ty đang chuẩn bị đăng ký phần mềm “Tự lái hoàn toàn” tại Trung Quốc.

Cổ phiếu của nhà bán lẻ Best Buy leo 13,4% sau dự báo lợi nhuận hàng quý lạc quan, trong khi chuỗi cửa hàng bách hóa Kohl's lại giảm 22,9% vì công ty phải cắt giảm dự báo lợi nhuận và doanh thu hàng năm.

Cổ phiếu của Salesforce mất tới 19,7%, một ngày sau khi công ty dự báo lợi nhuận và doanh thu quý hai thấp hơn ước tính của Phố Wall khi nhu cầu yếu đi đối với các sản phẩm kinh doanh doanh nghiệp và đám mây.

Sau tiếng chuông đóng cửa, cổ phiếu Dell Technologies cũng lao dốc hơn 12% khi công ty báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý. Cổ phiếu kết thúc phiên giao dịch thông thường giảm 5,2%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,10 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,39 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn trong quý đầu tiên so với ước tính trước đó.

Theo Công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đã đặt cược 50,4% khả năng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9, nhỉnh hơn một chút so với mức 48,7% trước khi dữ liệu được công bố.

“Thông thường, bạn kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục sau khi GDP được điều chỉnh giảm vì nó báo hiệu nền kinh tế đang chậm lại, công việc của Fed đã hoàn thành, chúng ta có thể cắt giảm lãi suất. Nhưng đó không phải là phản ứng mà chúng ta nhận được ngày nay. Bản thân tôi thì không quá ngạc nhiên, đơn giản vì sau sáu tuần tăng trưởng, thị trường có thể chứng kiến đà giảm nhẹ hoặc đi ngang trong một thời gian”, Mark Hackett, giám đốc nghiên cứu đầu tư tại Nationwide nhận xét.

NHU CẦU YẾU KHIẾN GIÁ DẦU GIẢM MẠNH

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục đi xuống ở phiên thứ hai liên tiếp sau khi chính phủ Mỹ báo cáo nhu cầu nhiên liệu yếu trong nước và dự trữ xăng và nhiên liệu chưng cất tăng bất ngờ.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,74 USD, tương đương 2,1%, xuống mức 81,86 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu thô WTI giảm 1,32 USD, tương đương 1,7%, xuống 77,91 USD/thùng.

Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần trước do các nhà máy lọc dầu tăng công suất lên mức cao nhất trong hơn 9 tháng. Tuy nhiên, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tăng bất ngờ là do nhu cầu suy yếu song song với việc sản lượng tăng.

“Sự suy yếu của thị trường xăng dầu tiếp tục kéo phần còn lại của tổ hợp dầu mỏ đi xuống”, Alex Hodes, nhà phân tích dầu mỏ tại công ty môi giới StoneX đánh giá.

Các nhà phân tích đã dự kiến kỳ nghỉ Lễ Tưởng niệm vào 27/5, thời điểm bắt đầu mùa hè lái xe ở Mỹ, sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, thước đo nhu cầu xăng của EIA lại giảm khoảng 2% so với tuần trước xuống còn 9,15 triệu thùng mỗi ngày.

Áp lực lên giá dầu, khẩu vị rủi ro của các nhà phân tích giảm bớt cũng một phần là do triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ liên tục bị trì hoãn ở Mỹ và châu Âu. Các nhà phân tích tại công ty môi giới tài chính ActivTrades cho rằng “Giao dịch sợ hãi” đang thống trị thị trường tài chính trước thềm dữ liệu PCE tháng 4 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Giới đầu tư dầu mỏ cũng thận trọng trước cuộc họp của OPEC+ vào cuối tuần này. Nhóm nhà sản xuất sẽ đưa ra quyết định nên gia hạn, tăng cường hay hủy bỏ việc cắt giảm nguồn cung.

Theo một số ý kiến trong ngành, nhu cầu nhiên liệu yếu và tồn kho dầu toàn cầu ngày càng tăng có thể thuyết phục các thành viên OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp 2/6 tới.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/nasdaq-lao-doc-co-phieu-salesforce-gay-ap-luc-lon-len-nhom-cong-nghe-post552466.html