NATO áp lực tăng chi sau căng thẳng biên giới Baltic với Nga?
Tình hình này diễn ra trong thời điểm Mỹ – nước đóng góp lớn nhất cho NATO đến nay – có thể từ một thành viên kiên định nhất trở thành yếu tố khó đoán định nhất.
Dọc theo sườn phía đông của NATO, các quốc gia thành viên đang tăng cường phòng thủ trước Nga. Hai năm chiến sự trong đó cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra đã thuyết phục NATO rằng giờ mọi thứ đều có thể xảy ra.
Theo kế hoạch của NATO, hàng trăm nghìn quân binh sẽ được luân chuyển giữa các quốc gia biên giới, trong đó các thành viên liên minh như Đức có kế hoạch hiện diện lâu dài.
Nhưng liệu kế hoạch này có đủ? Để thích ứng với nền kinh tế quân sự hóa của Nga, các thành viên NATO phải chi nhiều hơn cho quốc phòng. Và khả năng ông Donald Trump nắm quyền tại Nhà Trắng một lần nữa khiến họ lo ngại Mỹ sẽ rời bỏ những mục tiêu chung, khiến Tổng thống Vladimir Putin trở nên táo bạo hơn.
Tại vùng Baltic, các lữ đoàn đa quốc gia từ Đức, Canada và Anh sẽ chung tay điều động lực lượng 300.000 quân như đã cam kết của liên minh trong những năm tới. Nhưng sự hiện diện mạnh mẽ trên bộ này, cùng với việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine, sẽ tiêu tốn một phần không nhỏ ngân sách.
Trong những ngày gần đây, căng thẳng đáng kể đã nảy sinh liên quan đến kế hoạch của Nga nhằm mở rộng biên giới ở Biển Baltic. Kế hoạch này vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Lithuania, Phần Lan và các quốc gia khác, bày tỏ lo ngại về hậu quả tiềm tàng từ hành động của Moscow.
Trước đó, có thông tin cho rằng sáng kiến này liên quan đến những thay đổi đơn phương đối với biên giới trên biển của Nga với Litva và Phần Lan. Theo thông tin chính thức, đề xuất này được đưa ra trong dự thảo quyết định của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.
Ngoại trưởng Lithuania và Phần Lan cùng với đại diện các nước khác đã bày tỏ quan ngại và không đồng tình.
Hôm 22/5, một ngày sau khi đăng tải, Bộ Quốc phòng Nga đã gỡ bản dự thảo danh sách các tọa độ mới để tính toán chiều rộng lãnh hải Nga, đường bờ biển và các đảo trên biển Baltic.
Chuyên gia chính trị Elchin Mirzabeyli khẳng định với News.Az rằng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO đã làm thay đổi tình hình địa chiến lược ở khu vực Baltic, mở rộng phạm vi trách nhiệm của Liên minh Bắc Đại Tây Dương và tăng gấp đôi chiều dài biên giới với Nga lên 2.600 km.
“Trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang lớn giữa Nga và NATO, biên giới chung này có thể trở thành tiền tuyến. Biển Baltic, hiện không bao gồm các dải bờ biển và lãnh hải của Nga xung quanh Kaliningrad và St. Petersburg, trên thực tế đã trở thành vùng biển của NATO”.
Tình hình này diễn ra trong thời điểm Mỹ – nước đóng góp lớn nhất cho NATO đến nay – có thể từ một thành viên kiên định nhất trở thành yếu tố khó đoán định nhất. Ứng viên Tổng thống Donald Trump gần đây khẳng định sẽ khuyến khích Nga tấn công các thành viên NATO không chi tiêu đủ cho quốc phòng, theo bình luận viên Madis Kabash của Bloomberg.
Tuy nhiên, cũng theo Bloomberg, nhiều quốc gia NATO ở châu Âu từ lâu đã chần chừ trong việc tài trợ cho quân đội. Năm 2014, khi Nga lần đầu tiên triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các đồng minh NATO đã đặt mục tiêu yêu cầu các thành viên chi ít nhất 2% GDP quốc gia cho quốc phòng. Một thập kỷ sau, chỉ hơn một nửa trong số 32 quốc gia thành viên NATO đạt được mục tiêu đó.
Nhưng 2% có thể là không đủ. Trong khi Tổng thống Nga Putin nói rằng ông không có ý định tấn công các quốc gia thành viên NATO, một số quan chức an ninh cảnh báo rằng các nước thành viên sẽ cần phải chi tới 4% GDP để tăng cường năng lực phòng thủ trong kịch bản Nga tấn công. Và điều đó có nghĩa là hàng nghìn tỷ USD sẽ được chi tiêu cho mục đích quốc phòng, bình luận viên Madis Kabash khẳng định.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nato-ap-luc-tang-chi-sau-cang-thang-bien-gioi-baltic-voi-nga.html