NATO bành trướng sang phía Đông và lời hứa 'không vượt sông Oder'
NATO bành trướng sang phía Đông, quên mất cam kết của mình là không đóng quân trên lãnh thổ của Đông Đức và không vượt qua sông Oder.
Lời hứa từ nước Đức và NATO
Mới đây, cựu phó chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) là ông Willy Wimmer, đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga RT rằng, ông đã tận mắt chứng kiến phương Tây “thề rằng” NATO sẽ không mở rộng về phía đông.
Vị chính trị gia kỳ cựu từng là thư ký cho Bộ trưởng Quốc phòng Đức từ năm 1985 đến năm 1992, nói rằng, ông đã chứng kiến lời hứa này một cách cá nhân, khi ông “gửi cho Thủ tướng Helmut Kohl tuyên bố về Bundeswehr (Quân đội Tây Đức) trong NATO và NATO ở Châu Âu, được kết hợp hoàn toàn vào trong Hiệp ước Thống nhất nước Đức".
Theo vị quan chức Đức, bất chấp sự phủ nhận của họ sau này, các nhà lãnh đạo phương Tây lúc đó đã hứa với Liên Xô rằng (thời điểm đó Liên bang Xô viết chưa tan rã), NATO sẽ không mở rộng sang Trung Âu và Đông Âu khi Moscow đồng ý phá dỡ “Bức tường tường Berlin”, thống nhất nước Đức.
Theo ông, một phần cam kết của phương Tây khi muốn Liên Xô án binh bất động vào thời điểm phá dỡ “Bức tường Berlin” là: “Không đóng quân của NATO trên lãnh thổ của Đông Đức cũ và NATO sẽ không vượt qua sông Oder”.
(Oder là một con sông tại Trung Âu, chảy qua miền tây Ba Lan, tạo nên khoảng 187 kilômét đường biên giới giữa Ba Lan và Đức. Lời hứa này hàm ý rằng: NATO sẽ không mở rộng sang phía Đông, tới Ba Lan)
Vị cựu quan chức Đức cho biết, NATO từ lâu đã phủ nhận một lời hứa như vậy đã từng được đưa ra và khẳng định khối này luôn có một “chính sách mở cửa”. Nhưng một tài liệu được tuần báo Der Spiegel của Đức công bố gần đây đã cho thấy cam kết này thực sự đã được đưa ra và sau đó đã bị phá vỡ, chứng minh cho những tuyên bố của Moscow là đúng.
Lời hứa bị Mỹ phá bỏ
Biên bản cuộc họp ngày 6/3/1991 tại Bonn giữa giám đốc chính trị của các Bộ ngoại giao Mỹ, Anh, Pháp và Đức về việc thống nhất nước Đức dường như cho thấy rằng, các quốc gia phương Tây đã nói rõ với Liên Xô (khi đó vẫn còn tồn tại) là: NATO sẽ không mở rộng thêm về phía đông.
Ông Wimmer tin rằng, sau khi Nga trở thành “người thừa kế của Liên Xô”, những lời hứa của các nhà lãnh đạo phương Tây vào đầu những năm 1990 cuối cùng đã bị tiêu tan bởi tham vọng của Mỹ, được hình thành trong “Học thuyết Wolfowitz” khét tiếng, ra đời vào năm 1992.
“Học thuyết Wolfowitz” thực chất là “Hướng dẫn lập kế hoạch quốc phòng cho các năm tài chính 1994–1999” đã bị rò rỉ trên tờ New York Times vào thời điểm đó và gây ra làn sóng chỉ trích ngay cả ở chính Mỹ.
Tài liệu này phác thảo chính sách chủ nghĩa đơn phương và các hành động quân sự phủ đầu nhằm trấn áp các mối đe dọa tiềm tàng và ngăn chặn bất kỳ quốc gia được cho là “độc tài” nào trở thành siêu cường.
Văn bản chính thức của hướng dẫn được thay đổi sau khi bị chỉ trích, nhưng nhiều nguyên lý của nó vẫn được đưa vào chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush.
Kể từ thời điểm đó, Mỹ và các đồng minh đã đi sai đường khi làm mọi cách để cho Moscow thấy rằng, các quốc gia phương Tây đang tìm cách “tống khứ Nga ra khỏi châu Âu”, để xây dựng một “bức tường mới giữa Baltic và Biển Đen” và cuối cùng là đánh bại Nga, thay vì hợp tác.
Châu Âu tiếp tục gặp khó do chính sách chống Nga của Mỹ
Theo ông Wimmer, căn nguyên của tất cả các vấn đề an ninh hiện tại ở châu Âu nằm trong chính sách liên tục chống lại Nga của Mỹ. Tất cả những khó khăn mà châu Âu đang phải đối mặt đều bắt đầu từ việc Mỹ thực hiện chính sách nhằm cô lập Nga với châu Âu trong gần 30 năm qua.
Ông Wimmer cảnh báo, nếu Mỹ tiếp tục làm mọi thứ để đạt được mục tiêu này thông qua NATO và các thỏa thuận song phương với các nước đồng minh, thì các vấn đề an ninh của châu Âu khó có thể được giải quyết.
Cựu phó chủ tịch OSCE cũng đồng ý với phát ngôn của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavro sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Anh Liz Truss hồi đầu tháng 2, mô tả tình trạng quan hệ hiện nay giữa Nga và phương Tây giống như một cuộc trò chuyện giữa những “người câm” và “người điếc”.
Mỹ và các đối tác của họ ở châu Âu đã “chắc chắn điếc” trong nhiều thập kỷ kể từ khi họ “không rút ra bài học” nào từ bài phát biểu mang tính bước ngoặt của Tổng thống Vladimir Putin tại Hội nghị An ninh Munich vào năm 2007, khi ông chủ Điện Kremlin chỉ ra khá rõ ràng vấn đề nằm ở đâu.
Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Nga cảnh báo rằng, chủ nghĩa bá quyền đơn phương của Mỹ và việc sử dụng vũ lực vô cớ trong quan hệ quốc tế đã làm xói mòn hệ thống an ninh toàn cầu và làm suy yếu luật pháp quốc tế.
Đây cũng là một trong những lần đầu tiên ông đề cập đến lời hứa của NATO với Nga không mở rộng sang phía đông và kể từ đó, giới lãnh đạo phương Tây đã một mực phủ nhận việc họ đã có những “lời hứa suông” với Liên Xô đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.