NATO chưa chọn được người kế nhiệm Tổng thư ký Stoltenberg
Đài CNN dẫn nhiều nguồn tin tiết lộ nhiều khả năng 31 nước thành viên không thể đạt đồng thuận chọn ra Tổng thư ký NATO tiếp theo, vì vậy ông Jens Stoltenberg sẽ được yêu cầu làm thêm 1 năm nữa.
Theo các nguồn tin, dù có một số ứng viên triển vọng như Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen hay Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, nhưng khả năng tất cả thành viên đều đồng ý lại không cao, bất chấp phía Mỹ tỏ ý ưu tiên nữ ứng viên.
Mỹ lâu nay không đề cử ứng viên nào, tuy nhiên sự ủng hộ của Washington - quốc gia giữ vai trò chủ chốt trong liên minh - rất quan trọng.
Ông Jens Stoltenberg giữ chức Tổng thư ký NATO từ năm 2014, từng một lần kéo dài nhiệm kỳ.
Đương kim Tổng thư ký NATO vừa gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần trước. Nhà Trắng từ chối cho biết Tổng thống Biden có đề nghị Tổng thư ký Stoltenberg tiếp tục làm việc hay không.
Trong cuộc họp báo ngày 19.6, Tổng thư ký Stoltenberg tuyên bố: “Kế hoạch duy nhất của tôi là tập trung vào nhiệm vụ và làm việc cho đến khi nhiệm kỳ kết thúc vào mùa thu năm nay. Tôi thực sự không có kế hoạch nào khác”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 20.6 nhấn mạnh họ không thúc ép hay đề bạt ứng viên cụ thể nào. Washington đang tham vấn chặt chẽ với các đồng minh lẫn đối tác để xác định nhân vật lãnh đạo cũng như hướng đi của NATO.
Nhà ngoại giao này nói thêm: “Trong mắt Tổng thống Biden, Tổng thư ký Stoltenberg là nhà lãnh đạo nổi bật. Vẫn có nhân vật nổi bật khác mà mọi người đang nhắc đến. Tất cả chúng tôi sẽ cùng nhau ra quyết định”.
Cuộc chạy đua trở thành Tổng thư ký NATO cực kỳ không rõ ràng, chủ yếu chỉ được bàn luận giữa các nhà lãnh đạo hoặc ngoại giao. Bàn luận diễn ra cho đến khi toàn bộ thành viên đạt đồng thuận.
Nhiều nhà ngoại giao không xem Bộ trưởng Wallace là ứng viên sáng giá dù ông được kính nể rộng rãi trong khối. Một số nước ưu tiên nữ ứng viên hơn.
Không ít quốc gia muốn Tổng thư ký NATO nên là cựu thủ tướng hay cựu tổng thống để đảm bảo nhân vật này có ảnh hưởng chính trị ở cấp cao nhất. Ông Stoltenberg từng là Thủ tướng Na Uy.
Một vài nước, đặc biệt là Pháp, chủ trương tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn giữa NATO với Liên minh châu Âu (EU) nên hy vọng tân Tổng thư ký NATO là quan chức đến từ nước thành viên EU.
Thủ tướng Frederiksen đáp ứng tất cả tiêu chí nêu trên, nhưng bà từng tuyên bố không mặn mà với công việc Tổng thư ký NATO. Tuy vậy giới ngoại giao NATO tiết lộ nữ lãnh đạo hiện được cân nhắc một cách nghiêm túc.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Phó thủ tướng Canada Chrystia Freeland, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng là ứng viên được xem xét. Tuy nhiên, giới ngoại giao đánh giá Thủ tướng Kallas quá "hiếu chiến" với Nga, Đức và muốn bà Leyen tiếp tục giữ chức vụ hiện tại; còn Phó thủ tướng Freeland không đến từ một nước châu Âu và Canada bị đánh giá chậm chạp trong chi tiêu quốc phòng.
Thủ tướng Rutte nói rõ ông không muốn làm vị trí này, trong khi Thủ tướng Sanchez còn đang phải lo nghĩ về cuộc tổng tuyển cử cuối năm nay.
Bất cứ ai kế nhiệm cũng phải đối mặt với thách thức kép: đảm bảo NATO cùng nhau hỗ trợ Ukraine nhưng cần tránh hành động leo thang khiến khối trực tiếp tham gia vào cuộc chiến hiện tại.