NATO gấp rút chuẩn bị khi mối nguy 'đã ở trước cửa nhà'

Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết NATO đã có thể cảm nhận rõ hơn về mối đe dọa trực tiếp ngày càng gia tăng. Các nước trong liên minh quân sự này đang tăng cường đầu tư vào quốc phòng với thái độ nghiêm túc và gấp rút hơn bao giờ hết.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã bày tỏ quan điểm không mấy thiện cảm với NATO, cho rằng một số thành viên của khối không đóng góp công bằng và đang lợi dụng Mỹ.

Khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bước sang năm thứ ba và NATO đã có thể cảm nhận rõ hơn về mối đe dọa trực tiếp ngày càng gia tăng, các thành viên trong liên minh, đặc biệt là các nước Baltic đang đẩy mạnh đầu tư vào quốc phòng của mình với thái độ nghiêm túc và gấp rút hơn bao giờ hết.

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận hồi tháng 9/2023. Ảnh: AFP/Getty.

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận hồi tháng 9/2023. Ảnh: AFP/Getty.

Tại một sự kiện của Viện Hudson ở Washington DC, Mỹ hôm 25/3, vài ngày trước lễ kỷ niệm 20 năm gia nhập NATO, các ngoại trưởng của Litva, Latvia và Estonia đã giải thích mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến hiện tại ở Ukraine và nguy cơ Nga có thể làm điều tương tự với các thành viên NATO trong tương lai.

Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna cho biết: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc hỗ trợ Ukraine và đảm bảo nước này giành chiến thắng”; đồng thời nhấn mạnh rằng NATO và phương Tây “sẽ phải trả giá đắt” nếu để Nga thắng ở Ukraine và mở rộng tham vọng chinh phục các nước láng giềng khác.

Các chuyên gia và quan chức phương Tây từ lâu đã cho rằng nếu Nga thành công trong việc đánh bại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cảm thấy được khuyến khích tiếp tục tham vọng của mình và mục tiêu tiếp theo có thể là các nước thành viên NATO, gây ra cuộc chiến toàn diện giữa các đối thủ có sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc thảo luận hôm 25/3, ba bộ trưởng cũng đề cập đến sự tham gia lỏng lẻo của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine khi gói viện trợ mới nhất đang bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng ở quốc hội. Nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đang theo dõi điều gì sẽ xảy ra khi xung đột kết thúc, Ngoại trưởng Tsahkna lưu ý. "Vì vậy, tôi nghĩ rằng [Mỹ] cũng phải thức tỉnh, thể hiện khả năng lãnh đạo rõ nét hơn vì châu Âu hiện đang làm nhiều hơn".

Cuộc thảo luận của ngoại trưởng các nước Baltic diễn ra sau những chỉ trích mới nhất của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào các thành viên NATO mà ông cho là đã không trả "phần công bằng" của họ. Tuần trước, cựu tổng thống nói rằng, nếu trở lại cầm quyền ông sẽ giữ Mỹ ở lại NATO với điều kiện các nước châu Âu trả tiền và "chơi công bằng". Theo ông Trump, Mỹ "đã trả 90% chi phí của NATO" và nếu không có Mỹ, NATO "thậm chí không tồn tại theo đúng nghĩa đen".

NATO được hưởng lợi từ kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Mỹ và khoảng 100.000 lính Mỹ ở châu Âu. Liên minh đã đặt ra hướng dẫn cho mỗi đồng minh chi ít nhất 2% GDP cho quân đội của mình; 18 trong số 32 quốc gia thành viên dự kiến sẽ đạt được mục tiêu này trong năm nay.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump phàn nàn về sự tham gia của Mỹ vào NATO hoặc đưa ra những tuyên bố chỉ trích liên minh này. Tháng trước, ông Trump thậm chí còn phát ngôn gây sốc rằng Nga có thể "làm bất cứ điều gì họ muốn" đối với nước nào "không trả đúng hạn" các khoản đóng góp tài chính và quân sự của NATO.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump thường chỉ trích NATO, làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ sẽ rút khỏi liên minh hoặc không phản ứng trước tình huống của Điều 5 [khi một đồng minh bị tấn công thì phần còn lại của liên minh sẽ cùng đứng ra bảo vệ - ND]. Nhưng hiện tại, nếu Trump đắc cử trong năm nay, ông sẽ gặp khó khăn hơn nhiều vì Quốc hội đã thông qua dự luật vào tháng 12/2023 nhằm ngăn cản một tổng thống rút khỏi NATO mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.

NATO đã làm nhiều hơn nhưng liệu có đủ?

Ở một khía cạnh khác, có thể thấy bình luận của ông Trump thường bỏ qua những tiến bộ NATO đã đạt được trong việc ngăn chặn Nga và tăng cường phòng thủ. Nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm cả các nước vùng Baltic, từ lâu đã gửi viện trợ quân sự cho Ukraine và gần đây đã tăng cường các gói hỗ trợ. Mới tuần trước, Pháp và Đức đã đồng ý cùng sản xuất thiết bị quân sự cho Ukraine trên đất Ukraine, một bước quan trọng để cung cấp cho quân đội các phụ tùng, đạn dược và hệ thống vũ khí hoàn chỉnh.

Đức cũng đồng ý gửi một gói viện trợ khổng lồ cho Ukraine nhưng Thủ tướng Olaf Scholz vẫn từ chối gửi tên lửa tầm xa Taurus sau nhiều tháng tranh luận.

Đầu tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã để ngỏ khả năng NATO gửi quân tới Ukraine. Mặc dù lập trường của ông không được nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác ủng hộ, nhưng nó cho thấy rõ mối quan ngại đang ngày một gia tăng trong lòng châu Âu về những gì có thể xảy ra nếu Ukraine bại trận.

Các quốc gia Baltic có lẽ lo lắng hơn cả bởi mối nguy dường như đang ở ngay trước cửa nhà của họ. Khi nói về mức chi tiêu quân sự của NATO so với Nga, Ngoại trưởng Latvia Krišjānis Kariņš nhấn mạnh cách các nước Baltic đang chuẩn bị để ngăn chặn và chống lại Nga.

“Latvia và những người hàng xóm của tôi đã nỗ lực hết mình. Chúng tôi có kế hoạch đầu tư vào quốc phòng với ngân sách 2,4% trong năm nay, nhưng kỳ vọng thậm chí có thể sẽ đạt 3% và chúng tôi cũng sẽ vượt xa mức đó trong tương lai”, ông Kariņš nói.

Theo dự đoán từ đầu năm nay, 18 thành viên NATO chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội của họ cho quốc phòng, trong khi các thành viên còn lại đang được thúc giục nhanh chóng đạt được mục tiêu đó. Con số này nhiều hơn 7 nước so với năm 2023. Năm 2014, chỉ có 3 nước trong NATO đạt được ngưỡng đó.

Các con số thống kê năm ngoái cho thấy, Ba Lan đã chi 3,90% GDP cho quốc phòng, cao hơn cả Mỹ ở mức 3,49%. Nhiều quốc gia giáp Nga hay Belarus cũng tăng cường chi tiêu. Estonia chi 2,73%, Litva 2,54% và Latvia 2,07%. Phần Lan, Romania và Hungary cũng chi trên ngưỡng 2%.

Ông Kariņš cũng cho biết có những bước quan trọng khác đang được thực hiện để chuẩn bị đối phó với Nga. "Chúng tôi đã khôi phục chế độ tòng quân, vì vậy chúng tôi đang xây dựng lực lượng vũ trang của mình".

Tổng thống Latvia Edgars Rinkēvičs cho biết đang thúc đẩy các thành viên NATO khác thực hiện điều tương tự. Ông Rinkēvičs nói với The Financial Times: “Không ai muốn phải chiến đấu. Nhưng vấn đề là không ai muốn bị tấn công. Và không ai muốn thấy những gì xảy ra ở Ukraine lại xảy ra ở đây".

Theo ông Kariņš, Latvia và các nước vùng Baltic khác đang mua thêm hệ thống vũ khí và tăng cường hiện diện quân sự của NATO ở vùng Baltic. Mới tháng trước, Đức đã công bố kế hoạch triển khai hai tiểu đoàn chiến đấu, tương đương khoảng 5.000 binh sĩ tới Litva, động thái đầu tiên của nước này kể từ Thế chiến II. Mục tiêu là ngăn chặn hành động gây của Nga nhằm vào đất nước này, cũng như củng cố khả năng phòng thủ của Litva.

Cuối tuần qua, Mỹ đã phê duyệt gói viện trợ tổng trị giá 228 triệu USD cho Estonia, Latvia và Litva, nhằm đẩy nhanh các dự án phát triển và cơ sở hạ tầng quân sự liên quan đến phòng thủ trên không và trên biển cũng như các lực lượng trên bộ.

Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch) Nguồn: Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nato-gap-rut-chuan-bi-khi-moi-nguy-da-o-truoc-cua-nha-post1085236.vov