NATO gia hạn nhiệm kỳ Tổng thư ký Stoltenberg, tiết lộ Ukraine tiến gần hơn tới vị trí thành viên
Ngày 29/6, các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí việc gia hạn nhiệm kỳ thêm một năm cho Tổng thư ký hiện nay - ông Jens Stoltenberg.
Hôm 29/6, một nhà ngoại giao NATO đã tiết lộ, tất cả các thành viên đều đồng ý với quyết định trên và thông tin này sẽ chính thức được thông báo trong tuần tới.
Bên cạnh đó, cuộc họp của các đại sứ từ các nước thành viên NATO sẽ thông qua thỏa thuận.
Theo Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith, các đồng minh đều ủng hộ việc kéo dài nhiệm kỳ của ông Jens Stoltenberg, do các bên không thể thống nhất đề xuất các ứng cử viên cho người kế vị ông Stoltenberg.
Cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg chính thức được bổ nhiệm vào ngày 1/10/2014 với nhiệm kỳ 4 năm.
Đến nay, ông đã đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ Tổng thư ký NATO và được gia hạn thêm một năm vào năm 2022, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại NATO tiết lộ, khối này sắp đi đến thỏa hiệp về nguyện vọng trở thành thành viên của Ukraine, có thể đặt ra cách thức Kiev gia nhập.
Theo một số nguồn tin, Ukraine dường như đã kêu gọi NATO tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Lithuania vào ngày 11-12/7 tới về việc gia nhập liên minh của Kiev ngay sau khi cuộc xung đột kết thúc, cùng với lộ trình trở thành thành viên của nước này.
Đại sứ Smith khẳng định rằng, bà tin tưởng liên minh quân sự này sẽ nhất trí về một văn bản vượt ra khỏi tuyên bố ở Bucharest từ năm 2008, trong đó đề cập Ukraine sẽ tham gia liên minh, song không có thông tin cụ thể về thời gian hay cách thức gia nhập.
Thời gian qua, Ukraine đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các thành viên NATO ở Đông Âu, vì khối này cho rằng, cách tốt nhất để ngăn chặn Nga tiến hành một cuộc tấn công khác là để Kiev đứng dưới chiếc ô an ninh tập thể của NATO.
Trong khi đó, các thành viên khác như Mỹ và Đức tỏ ra thận trọng hơn đối với mọi động thái có khả năng đưa liên minh tiến gần hơn với một cuộc xung đột với Nga - vốn từ lâu đã coi việc NATO mở rộng là bằng chứng về sự thù địch của phương Tây.
Các nước thành viên NATO phản đối những đề xuất về thời hạn hoặc ngày dự định để Ukraine trở thành thành viên, nhấn mạnh trọng tâm nên là đẩy lùi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Theo bà Smith, văn bản về Ukraine được ban hành như một phần của thông cáo tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius. Đại sứ Mỹ cũng cho biết, hiện các bên vẫn đang đàm phán về việc này, tuy nhiên bà không tiết lộ thêm thông tin cụ thể.
Trả lời câu hỏi về khả năng văn bản trên đề cập cách thức Ukraine gia nhập liên minh, bà chia sẻ: “Có thể. Tôi nghĩ điều đó là có thể”.