NATO họp khẩn khi xung đột Syria liên tục leo thang

Các đại sứ từ liên minh quân sự NATO đã có cuộc hội đàm khẩn cấp vào thứ Sáu theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi vụ 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng ở phía đông bắc Syria.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một tuyên bố rằng các cuộc đàm phán sáng thứ Sáu được tổ chức theo Điều 4 của hiệp ước thành lập NATO, cho phép bất kỳ đồng minh nào đề nghị tham vấn nếu cảm thấy toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh của họ bị đe dọa.

Cuộc không kích của lực lượng chính phủ Syria đánh dấu số người thiệt mạng lớn nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong một ngày kể từ khi Ankara lần đầu tiên can thiệp vào Syria vào năm 2016. Đây là một vụ leo thang lớn trong cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng Syria được Nga hậu thuẫn nổ ra từ đầu tháng Hai.

Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu liên minh NATO họp khẩn sau vụ 33 binh lính của họ thiệt mạng tại Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu liên minh NATO họp khẩn sau vụ 33 binh lính của họ thiệt mạng tại Syria.

Ít nhất 54 lính Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thiệt mạng tại Idlib trong thời gian đó.

Ngoài việc hỗ trợ giám sát trên không tại Syria, NATO không đóng vai trò trực tiếp tại quốc gia bị xung đột tàn phá này. Tuy nhiên, các thành viên của họ bị chia rẽ sâu sắc về các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở đó.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân vào miền bắc Syria đã vấp phải nhiều lời chỉ trích và đe dọa trừng phạt của các đồng minh đồng thời phần nào dấy lên một cuộc khủng hoảng trong liên minh quân sự này.

Pháp đã cố gắng khởi động cuộc tranh luận về điều các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ nên làm nếu Ankara yêu cầu sự trợ giúp của họ theo Điều 5 Hiến chương thành lập NATO - yêu cầu tất cả các đồng minh phải bảo vệ thành viên khác bị tấn công - nhưng cuộc thảo luận đó đã không xảy ra.

Căng thẳng tại Syria diễn ra khi đã sẵn có bất đồng trong khối về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S400 do Nga sản xuất, đe dọa an ninh NATO và chương trình sản xuất máy bay tàng hình F-35. Nhưng mặc dù căng thẳng chính trị, quân sự tăng cao, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ một vai trò quan trọng và khó có thể bị loại khỏi liên minh 29 thành viên.

Thổ Nhĩ Kỳ có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với NATO. Đất nước rộng lớn này nằm ở eo biển Bosporus và là một cây cầu quan trọng giữa châu Âu, Trung Đông và Trung Á.

Các đồng minh NATO cũng dựa vào căn cứ không quân Incirlik ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ như là một điểm để tiếp cận Trung Đông. Liên minh này vận hành các hoạt động giám sát trên không từ Incirlik và Hoa Kỳ cũng có vũ khí hạt nhân đóng tại đó

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/nato-hop-khan-khi-xung-dot-syria-lien-tuc-leo-thang-20200228162625375.htm