NATO kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân 'có thể kiểm chứng'

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng thế giới cần 'khẩn cấp theo đuổi' việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh điều này phải được diễn ra 'một cách cân đối, có đi có lại và có thể kiểm chứng'.

Phát biểu tại hội nghị thường niên lần thứ 16 của NATO về vũ khí hủy diệt hàng loạt, kiểm soát vũ khí, giải giáp và không phổ biến vũ khí hạt nhân, được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 10-11, ông Jens Stoltenberg khẳng định trong nhiều thập niên qua, NATO đã “đi đầu trong giải giáp hạt nhân” bởi vì “mục tiêu cuối cùng của chúng ta là một thế giới không vũ khí hạt nhân”. “Trong 30 năm qua, chúng ta đã cùng nhau giảm hơn 90% số lượng vũ khí hạt nhân tại châu Âu. Nhưng trong một thế giới bất định, những vũ khí này lại tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình”, ông Jens Stoltenberg phát biểu.

Theo ông Jens Stoltenberg, mặc dù hiện tại chỉ có 3 quốc gia thành viên NATO sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng “tất cả các đồng minh NATO đều được hưởng lợi từ những bảo đảm an ninh của họ”. “Răn đe hạt nhân là năng lực răn đe lớn nhất của chúng ta. Đồng thời có những lo ngại chính đáng về vũ khí hạt nhân cũng như sự phổ biến của các loại vũ khí này. Vì vậy, viễn cảnh giải giáp hạt nhân hoàn toàn dường như còn xa xôi”, Tổng thư ký NATO khẳng định.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại hội nghị ngày 10-11. Ảnh: NATO

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại hội nghị ngày 10-11. Ảnh: NATO

Đề cập tới các bước hướng đến giải giáp hạt nhân, ông Jens Stoltenberg cho rằng Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vốn có hiệu lực từ năm 1970 đem lại “cơ hội tốt nhất để kiểm soát vũ khí hạt nhân”. Đây là hiệp ước mà tất cả các nước thành viên NATO ủng hộ mạnh mẽ và NPT đã hạn chế thành công việc phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu. Theo ông Jens Stoltenberg, trong 5 thập niên qua, trực tiếp nhờ có NPT mà hàng chục nghìn vũ khí hạt nhân đã bị loại bỏ. NPT đã thiết lập khuôn khổ để nhiều quốc gia từ bỏ các chương trình hạt nhân. NPT thiết lập cơ chế kiểm chứng mạnh mẽ, cho phép các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân “tận dụng việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình”. Tổng thư ký NATO kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hơn nữa vai trò của NPT và chung tay bảo đảm cho thành công của hội nghị đánh giá NPT lần thứ 10 dự kiến được tổ chức vào năm tới. “Chúng ta không thể xem thành công của NPT là hiển nhiên. Cần phải có nỗ lực và cam kết liên tục”, ông Jens Stoltenberg nêu rõ.

Tuy nhiên, điều đáng nói là Tổng thư ký NATO lại bác bỏ Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) vốn được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 2017 và dự kiến có hiệu lực vào tháng 1-2021. Ông Jens Stoltenberg cho rằng TPNW không có tính khả thi vì không có cơ chế kiểm chứng. “Từ bỏ khả năng răn đe của chúng ta mà không có được sự bảo đảm rằng các nước khác sẽ làm điều tương tự là một lựa chọn nguy hiểm. Điều đó sẽ khiến chúng ta dễ bị tấn công và làm suy yếu an ninh của liên minh”, ông Jens Stoltenberg tuyên bố. Tại hội nghị, Tổng thư ký NATO cũng kêu gọi Mỹ và Nga tiếp tục dẫn dắt việc kiểm soát vũ khí. Ông hoan nghênh đối thoại giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3) vốn sẽ hết hiệu lực vào năm 2021.

Theo niên giám 2020 của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), ước tính thế giới hiện vẫn còn khoảng 13.400 đầu đạn hạt nhân thuộc sở hữu của 9 quốc gia gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên. Con số này đã giảm so với thời điểm năm 2019 là 13.865 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, SIPRI đánh giá cho dù số lượng đầu đạn hạt nhân có giảm nhưng các quốc gia lại đang tiếp tục đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.

Vĩnh An / Báo QĐND

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/quoc-te/nato-keu-goi-giai-tru-vu-khi-hat-nhan-co-the-kiem-chung-43359.html