NATO lên kế hoạch ứng phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang lặng lẽ lên kế hoạch đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai vào mùa Thu này khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành mạnh tại nhiều nước ở châu Âu và Mỹ.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: AFP)
Báo Đức Spiegel (Tấm gương) ngày 2/5 dẫn các nguồn tin cho biết đại sứ các nước NATO trong tuần qua đã nhất trí với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltelberg về việc lập tức đưa ra một kế hoạch hành động quân sự cho khối để có thể ứng phó tốt hơn khi virus SARS-CoV-2 bùng phát trở lại cũng như để có thể hỗ trợ hiệu quả hơn cho các nước đối tác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Kế hoạch hành động sẽ do Tướng Tod Wolters, Tư lệnh Tối cao NATO, chỉ đạo.
Theo các nhà ngoại giao NATO, liên minh quân sự này cần phải được trang bị tốt hơn để ứng phó với dịch bệnh. Bên cạnh kế hoạch hành động ứng phó với nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai vào mùa Thu cũng cần có một "kế hoạch dự phòng ứng phó với đại dịch" riêng biệt và dài hạn.
Theo báo Đức, hiện Tổng Thư ký Stoltenberg đang nóng lòng thúc đẩy kế hoạch ứng phó với đại dịch nêu trên. Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch, một văn kiện sơ bộ sẽ được đưa ra thảo luận giữa các bộ trưởng quốc phòng NATO vào cuối tháng 6 tới và sau đó sẽ được thông qua.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh trong cuộc thảo luận với các đại sứ NATO rằng một sự ứng phó được phối hợp tốt hơn với làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ là phép thử đối với độ tin cậy và hợp tác trong NATO.
Hồi tháng trước, NATO đã giao cho Tướng Wolters nhiệm vụ đẩy mạnh cuộc chiến chống Covid-19, cụ thể là nâng cao sự phối hợp giữa các nước thành viên trong việc cung ứng vật tư y tế cho các nước bị dịch bệnh.
Theo báo Spiegel, đối với thế giới bên ngoài, NATO không mấy bị tác động bởi đại dịch Covid-19 và chỉ một phần hoạt động trong trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) bị hạn chế (Chỉ còn khoảng 1.200 nhân viên làm việc trong trụ sở thay vì mức 4.500 người trước đây).
Tuy nhiên trong thực tế, NATO bị ảnh hưởng ở quy mô khá lớn bởi đại dịch. Việc hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt đã tác động tới mọi sứ mệnh ở nước ngoài của NATO, như có sứ mệnh "Hỗ trợ kiên quyết" tại Afghanistan hay sứ mệnh ở Baltic, trong khi nhiệm vụ tại Litva chỉ được đảm bảo một phần.