NATO muốn lập lá chắn phòng không ở vùng Baltic

Trang Newsweek nêu NATO muốn bắn rụng máy bay Nga ở vùng biển Baltic, bằng một lá chắn phòng không mới đặt tại các nước Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan.

Máy bay Nga tham gia cuộc tập trận Zapad 2017-Ảnh Reuters

Máy bay Nga tham gia cuộc tập trận Zapad 2017-Ảnh Reuters

Ông Raimundas Karoblis, Bộ trưởng Quốc phòng Litva, nói đấy là cách liên minh quân sự phương Tây củng cố vùng biên giới của 3 nước vùng biển Baltic (Litva, Latvia, Estonia) và Ba Lan vốn chung biên giới với Nga.

Tại 4 nước này đã có 4 nhóm quân đa quốc gia NATO do Mỹ dẫn đầu, để giúp đối phó khi họ lo sợ bị Nga đánh chiếm. Vùng biển Baltic là nơi mà Nga chiếm ưu thế về không quân, trong khi Litva, Latvia, Estonia chỉ có tên lửa phòng không tầm ngắn, không thể bảo vệ không phận nếu như xảy ra sự cố thù địch. Họ càng lo ngại sự yếu thế này sau khi Nga sáp nhập Crimea.

Nhưng Nga xem đấy là một cuộc triển khai quân sự ở vùng biên giới nhằm bao vây Nga và đe dọa an ninh quốc gia Nga. Các quan chức Moscow đã cảnh cáo lá chắn phòng không có thể giúp Mỹ mở cuộc chiến tranh hạt nhân, và cực lực phản đối tất cả các động thái quân sự của NATO .

NATO đã bào chữa cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo là một phần quan trọng, trong chiến lược phòng thủ-đánh chặn của NATO, không nhằm tấn công Nga

Từ sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, NATO và Nga chạy đua vũ trang. Mỹ đã đồng ý bán hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có cấu hình hiện đại nhất cho Ba Lan. Tổng trị giá vụ mua bán này không được tiết lộ, nhưng hồi tháng 3, Bộ Quốc phòng Ba Lan muốn ngỏ ý mua 8 hệ thống Patriot trị giá 7,6 tỉ USD, nhằm đối phó việc Nga dàn quân ở vùng biên giới của các nước thành viên NATO.

Mỹ cũng đồng ý bán 7 dàn Patriot cùng ra đa, trạm kiểm soát, ăng ten, dàn phóng và máy phát điện cho Romania, một thành viên NATO có vị trí địa lý chiến lược tiếp cận biển Đen.

Nga cũng đã dàn hệ thống tên lửa Iskander ở vùng biên giới từ tháng 11.2016, càng khiến Ba Lan khẩn thiết tìm sự hỗ trợ từ Mỹ, trong chương trình hiện đại hóa quân đội kể từ năm 2023.

Tên lửa đất đối không S-400 và Iskander có thể mang đầu đạn hạt nhân được đặt ở vùng Kaliningrad thuộc Nga và giáp Ba Lan. Khu vực này là điểm cực tây của Nga, được phòng thủ mạnh từ sau những căng thẳng năm 2014.

Litva giáp vùng Kalingrad của Nga, muốn NATO triển khai vũ khí phòng không thường trực ở các nước Baltic hoặc Ba Lan. Litva đã muốn có khả năng phòng không tốt hơn, và Bộ trưởng Karoblis nói ông hy vọng các đồng minh sẽ chấp thuận cho các nước vùng biển Baltic có lá chắn phòng không từ năm 2018, khi NATO họp thượng đỉnh vào tháng 7 năm đó.

Ông Karoblis nói với Reuters: “Phòng không là một trong những vấn đề mà chúng tôi cần đề cập. Chúng tôi cũng muốn xem xét lĩnh vực khác, như cải cách cơ cấu NATO, và NATO cần củng cố phòng thủ đường biển ở vùng Baltic”.

Vị Bộ trưởng cũng nói NATO cần tăng cường tập trận, sau khi cuộc tập trận rầm rộ Tây tiến 2017 (Zapad) của quân Nga hồi tháng 9 đã khiến phương Tây bị căng thẳng.

Bộ trưởng Karoblis nói những điều này tại cuộc họp với các đồng cấp thuộc Nhóm Bắc, là những nước Bắc Âu và Baltic, Anh, Đức, Ba Lan và Hà Lan.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng dự cuộc họp ngày 7.11 này. Sau đó, ông nói nhóm 12 nước này quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ toàn vẹn. Ông Mattis nói: “Rõ ràng có một quốc gia cho rằng họ có quyền phủ quyết hoặc tầm ảnh hưởng mạnh trên các nước khác, đó là Nga. Nước này được nhắc đến tên suốt 48 giờ qua”.

Theo Newsweek, trên lý thuyết thì lực lượng quân sự 29 nước thành viên NATO (và có tổng kinh phí 892 tỉ USD) có thể dễ dàng khắc chế sức mạnh quân sự Nga.

Nhưng một báo cáo nội bộ hằng năm bị báo Der Spiegel công bố đã làm khối liên minh quân sự này bị bẽ mặt vì báo cáo cho biết khả năng của NATO đã bị suy yếu đáng kể từ sau Chiến tranh lạnh, và cơ cấu chỉ huy hiện nay của NATO “sẽ nhanh chóng thất trận” nếu đụng phải một cuộc tấn công tổng lực và bất ngờ của quân đội Nga.

Từ sau vụ báo cáo nội bộ bị rò rỉ hồi tháng 6, NATO đã phải lo xây dựng 2 bộ chỉ huy mới. Hồi tháng 10, các quan chức NATO nói với báo Wall Street Journal: Một cơ sở chỉ huy mới sẽ chuyên cải thiện tính cơ động của quân nhân, vũ khí và nguồn hậu cần trên toàn châu Âu, trong khi cơ sở chỉ huy kia chú trọng vùng Bắc Đại Tây dương và Bắc Cực, nơi mà Nga đã có sự hiện diện đáng kể.

Bảo Vĩnh (theo Newsweek)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/nato-muon-lap-la-chan-phong-khong-o-vung-baltic-75624.html