NATO nỗ lực hàn gắn rạn nứt

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa thông qua kế hoạch phòng thủ mới cho Ba Lan và các quốc gia khu vực Baltic sau khi đạt được thỏa thuận với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được coi là bước đột phá sau nhiều tháng đàm phán nhưng không đạt được kết quả, đồng thời cũng đánh dấu nỗ lực hàn gắn những rạn nứt, bất đồng âm ỉ giữa các nước thành viên NATO liên quan đến lợi ích của mỗi bên.

NATO đã tổ chức nhiều cuộc tập trận trên biển Baltic thời gian qua.

Kế hoạch phòng thủ được NATO vạch ra sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Khối này cáo buộc Nga can thiệp tình hình ở Ukraine, bất chấp Mátxcơva bác bỏ tuyên bố trên. Mâu thuẫn khiến quan hệ Nga - NATO rơi vào tình trạng đối đầu gay gắt nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Thời gian qua, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự với việc tổ chức các cuộc tập trận và triển khai hàng nghìn quân đến các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan cùng một số nước khu vực Baltic như Latvia, Litva và Estonia. Tuy nhiên, khối này cũng mong muốn đạt đồng thuận cho một kế hoạch quân sự chung.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra vào tháng 12-2019 ở thủ đô London (Anh), lãnh đạo các nước NATO, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhất trí thông qua kế hoạch phòng thủ quân sự cho Ba Lan và các nước khu vực Baltic. Ankara đã sử dụng quyền phủ quyết, không ký vào kế hoạch cũng như cứng rắn hơn trong các cuộc họp và thảo luận riêng nhằm buộc NATO xem Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở miền Bắc Syria là nhóm khủng bố. Trong khi đó, YPG lại là thành phần quan trọng của Lực lượng dân chủ Syria (SDF), đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Giới quan sát nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ giữa Ankara và Washington về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria.

Sở hữu vị trí địa chiến lược nối liền hai lục địa Á - Âu, trong Chiến tranh lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là “bức tường thành” vững chắc của phương Tây. Song, trước mối quan hệ nồng ấm hơn giữa nước này và Nga hiện nay với nhiều hứa hẹn hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, thương mại, năng lượng… đang khiến NATO lo ngại về khả năng chia rẽ trong khối. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thể hiện sự kiên định với các chính sách và chương trình nghị sự riêng, nhất là trong vấn đề Syria, hay thông qua việc phớt lờ yêu cầu của NATO về dừng thương vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 với Nga.

Phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Ibrahim Kalin từng bày tỏ, nước này là thành viên mạnh của NATO với quân đội lớn thứ hai trong liên minh và muốn tham gia vào Liên minh châu Âu (EU) như là một thành viên đầy đủ. Dẫu vậy, EU và NATO cũng cần quan tâm tới những mối đe dọa an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ và phải hợp tác để xóa bỏ các quan ngại đó. Ở chiều ngược lại, ông Ben Hodges, cựu chỉ huy của quân đội Mỹ tại châu Âu, hiện đang làm việc tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA) có trụ sở tại Washington (Mỹ) nhận định, kế hoạch phòng thủ của NATO cho Ba Lan và các quốc gia khu vực Baltic là chìa khóa để “răn đe hiệu quả” trong bối cảnh căng thẳng với Nga chưa lắng dịu. Nếu không có sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ, NATO sẽ gặp rất nhiều khó khăn với kế hoạch này.

Theo Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius và một nguồn tin ngoại giao trong NATO, tại Hội nghị ngoại trưởng NATO vừa diễn ra ở Brussels (Bỉ), bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước còn lại trong NATO đã được giải quyết và kế hoạch phòng thủ đã được ngoại trưởng các nước NATO phê duyệt. Tuy nhiên, chi tiết cụ thể của kế hoạch trên không được tiết lộ và hiện chưa rõ mỗi bên đã thể hiện sự nhượng bộ như thế nào để đi đến thỏa thuận cuối cùng. Song kết quả này vẫn là tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực tập hợp các đồng minh của liên minh quân sự lớn nhất thế giới vừa bước vào thập kỷ phát triển thứ tám.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/971681/nato-no-luc-han-gan-ran-nut