NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP: Cuộc chuyển mình hay nguy cơ mới?
Việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhất trí tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể dẫn đến 'bước nhảy vọt' về phòng thủ tập thể. Tuy nhiên, mục tiêu này dường như khó khả thi về mặt kinh tế và chính trị đối với nhiều quốc gia thành viên.
Mặt khác, động thái này là một dấu hiệu cho thấy cuộc chạy đua vũ trang mới đang hình thành trong môi trường địa chính trị ngày càng bất ổn.

Người dân tập trung biểu tình tại thành phố La Haye (Hà Lan) ngày 22-6 để phản đối NATO tăng chi tiêu quân sự. Ảnh: Xinhua
Một tuyên bố mang tính chính trị
Tăng chi tiêu quốc phòng là chủ đề nhạy cảm đối với các thành viên NATO trong nhiều năm và là mục tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ nhiệm kỳ đầu tiên. Mục tiêu dành 2% GDP hằng năm cho quốc phòng được các nước thành viên thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Wales năm 2014. Tuy nhiên, đến năm 2024, chỉ có 23 quốc gia đạt hoặc vượt mức này. Nhiều nền kinh tế lớn như Tây Ban Nha, Italia và Canada trong nhiều năm liên tiếp vẫn chưa chạm tới mục tiêu đề ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần chỉ trích các đồng minh NATO vì “đóng góp chưa tương xứng”, trong khi Washington đã bỏ ra nguồn lực khổng lồ để bảo vệ châu Âu suốt nhiều thập niên. Theo ông Trump, các đồng minh “phải trả phần của mình” bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 5% GDP. Thậm chí, ông còn bóng gió rằng Mỹ có thể không thực thi nghĩa vụ phòng thủ tập thể nếu các nước thành viên không đạt được mục tiêu này. Lập trường cứng rắn của ông Trump đã khiến bầu không khí đàm phán trong nội khối trở nên căng thẳng, buộc các nước châu Âu phải nỗ lực xoa dịu áp lực từ Washington và tìm kiếm sự đồng thuận. Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đã đưa ra đề xuất mang tính dung hòa: Các nước thành viên sẽ dành 3,5% GDP cho chi tiêu quốc phòng trực tiếp vào năm 2032 cùng với 1,5% GDP cho các khoản chi tiêu liên quan mang tính rộng hơn.
Mục tiêu chi tiêu quốc phòng 5% GDP không chỉ là một con số, mà còn là tuyên bố chính trị mang tính biểu tượng, thể hiện cam kết tập thể giữa các đồng minh NATO và nhằm răn đe các đối thủ tiềm tàng. Yêu cầu về “đóng góp công bằng” từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra sức ép đáng kể đối với nhiều quốc gia châu Âu, thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả các thách thức trực tiếp như xung đột Nga - Ukraine hay sự phụ thuộc ngày càng sâu vào sức mạnh quân sự của Mỹ.
Mục tiêu 5% liệu có khả thi?
Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi thỏa thuận tăng chi tiêu quốc phòng là “chiến thắng lớn cho tất cả” tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO vừa diễn ra ở La Haye (Hà Lan). Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng mục tiêu này có thể không khả thi về mặt kinh tế và chính trị, đặc biệt với nhiều quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với vô số thách thức kinh tế và sự thiếu ủng hộ chính trị đối với việc tăng chi tiêu quốc phòng.
Một trong những rào cản lớn nhất là sự khác biệt trong nhận thức về các mối đe dọa. Những quốc gia giáp biên giới với Nga như Ba Lan, Phần Lan hay các nước Baltic có xu hướng ủng hộ mạnh mẽ việc tăng ngân sách quốc phòng. Trong khi đó, các quốc gia như Bỉ hay Tây Ban Nha lại không cảm thấy mức độ cấp bách tương tự. Dù các nước NATO đã nhất trí tăng cường kho vũ khí, nhiều quốc gia châu Âu lại thiếu khả năng kinh tế nên việc tăng chi tiêu quốc phòng có nguy cơ làm căng thẳng hệ thống an sinh xã hội vốn đang chịu áp lực.
Tăng trưởng GDP ở khu vực đồng euro và toàn Liên minh châu Âu (EU) năm ngoái chỉ đạt lần lượt 0,9% và 1,1%, và dự báo sẽ duy trì ở mức tương tự trong năm 2025. Điều này càng khiến mục tiêu nâng chi tiêu quốc phòng trở nên khó đạt. Chẳng hạn, với Vương quốc Anh, chỉ 1% GDP tương đương khoảng 30 tỷ bảng (khoảng 40,7 tỷ USD). Trong khi đó, trong kế hoạch ngân sách mùa Xuân công bố tháng 3, việc cắt giảm phúc lợi sẽ giúp vương quốc Anh tiết kiệm 4,8 tỷ bảng trong khi chi tiêu quốc phòng tăng thêm 2,2 tỷ bảng đã gây mối lo ngại cho các nhà lập pháp và những người vận động xóa đói giảm nghèo. Việc tăng chi tiêu quốc phòng diễn ra trong bối cảnh Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR) nâng dự báo nợ công và lạm phát, càng khiến áp lực tài khóa đối với chính phủ gia tăng. Còn tại Hà Lan, với mục tiêu chi 3,5% GDP cho quốc phòng, chính phủ nước này sẽ phải chi thêm 16 - 19 tỷ euro mỗi năm so với ngân sách hiện tại.
Thêm vào đó, nhiều quốc gia thành viên NATO tại châu Âu như Hy Lạp, Italia, Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha đang có tỉ lệ nợ công cao và sẽ buộc phải vay thêm để đáp ứng mục tiêu. Điều này không chỉ khiến gánh nặng kinh tế gia tăng mà còn tiềm ẩn rủi ro chính trị do phải cắt giảm chi tiêu cho giáo dục, y tế và các chương trình phúc lợi. Đặc biệt, tại các nước như Croatia, Hungary, Hy Lạp, Slovakia, Séc và Italia, phần lớn người dân cũng chỉ ủng hộ duy trì mức chi tiêu quốc phòng hiện tại, không đồng tình với việc tăng thêm.
Nhiều nghiên cứu gần đây cảnh báo rằng chi tiêu quân sự của NATO đang tiến gần giới hạn tài chính chưa từng có. Điều này có thể dẫn đến việc cắt giảm các phúc lợi xã hội, làm chậm tăng trưởng kinh tế, gia tăng áp lực lên ngân sách công và ảnh hưởng tiêu cực đến các mục tiêu khí hậu dài hạn.
Tiềm ẩn một cuộc chạy đua vũ trang
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), toàn bộ các quốc gia thành viên NATO đều tăng chi tiêu quân sự vào năm 2024 với tổng ngân sách lên tới 1.506 tỷ USD, tương đương 55% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Sự gia tăng ngân sách quốc phòng ở quy mô lớn như vậy đặt ra nhiều câu hỏi về tác động đối với tình hình thế giới và cục diện an ninh toàn cầu: Liệu thế giới sẽ trở nên an toàn hơn hay bất ổn hơn khi các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc, tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu quân sự và mua sắm vũ khí? Câu trả lời không khó nếu nhìn lại giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Ngược lại, một câu hỏi đáng suy ngẫm là: Thế giới sẽ ra sao nếu hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD ấy được đầu tư vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển các dự án khoa học không gian quy mô lớn hay nghiên cứu phương pháp điều trị mới cho các bệnh nan y như ung thư, đồng thời xóa đói giảm nghèo...? Với nguồn lực như vậy, hàng triệu người có thể được cứu sống, cải thiện điều kiện sống, và thế giới có thể tiến gần hơn tới một tương lai an toàn và bền vững.
Tất nhiên, việc NATO tăng mạnh chi tiêu quốc phòng có thể tạo ra lợi thế răn đe quân sự áp đảo, qua đó góp phần ngăn ngừa các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, việc hướng tới mục tiêu chi 5% GDP cho quốc phòng sẽ đòi hỏi các nước NATO huy động nguồn lực tài chính ở quy mô chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Điều đáng lo ngại hơn chính là sự dịch chuyển lâu dài trong tư duy chiến lược - từ một nền văn hóa hợp tác, giải quyết xung đột bằng ngoại giao, sang một trạng thái cạnh tranh sức mạnh, nơi sức mạnh quân sự được đặt lên trên các nỗ lực vì lợi ích chung toàn cầu.