NATO thực hiện chiến lược cạnh tranh không gian vũ trụ

Tại Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra trung tuần tháng 11, liên minh quân sự lớn nhất hành tinh đã thông qua 2 chiến lược quan trọng. Trước hết, NATO coi không gian vũ trụ là nơi cạnh tranh chiến lược trong những năm tới và sẽ đầu tư vào lĩnh vực này để bảo đảm sức cạnh tranh trước Nga và Trung Quốc.

 Toàn cảnh Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 20/11/2019. Ảnh tư liệu

Toàn cảnh Hội nghị Ngoại trưởng NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 20/11/2019. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, NATO cũng tuyên bố sẽ không quân sự hóa không gian, không đưa vũ khí lên không gian vũ trụ nhưng sẽ phát triển năng lực bảo vệ các vệ tinh quân sự và dân sự của khối. Thứ hai, NATO sẽ theo dõi chặt chẽ và phân tích tác động của việc Trung Quốc liên tiếp gia tăng chi tiêu quân sự trong hơn một thập kỷ qua. Đây là hai chiến lược mới, bên cạnh các chính sách cũ như coi Nga là mối đe dọa với NATO hay kêu gọi các nước thành viên sớm hoàn tất yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng hàng năm lên mức 2% GDP.

Đáng chú ý là việc Pháp và Đức đã đưa ra đề xuất lập các nhóm thảo luận về tương lai chính trị của NATO. Đức cho biết muốn lập một ủy ban dưới sự điều hành của Tổng Thư ký NATO để thảo luận về tương lai của khối, qua đó có thể tổng hợp báo cáo trình lên Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào năm 2021. Trong khi đó, Pháp lại đề nghị thành lập một nhóm chuyên gia gồm các nhà ngoại giao và chính trị gia kỳ cựu, thảo luận độc lập về các đường lối chính trị, các mục tiêu, các giá trị của NATO cũng như tham vọng riêng của châu Âu.

Trên thực tế, việc tìm kiếm lối đi phù hợp có ý nghĩa quan trọng bởi NATO từ lâu không còn đối thủ trực tiếp. Về phương diện quân sự, tổ chức này vẫn là lực lượng mạnh nhất thế giới với chi tiêu quốc phòng năm 2018 lên tới 963 tỷ USD. Chỉ riêng ngân sách quốc phòng hằng năm của Mỹ, một thành viên chủ chốt của NATO, đã gấp 2,5 lần ngân sách quốc phòng của Trung Quốc và gấp hơn 10 lần của Nga. Theo nhận định của giới chuyên môn, một trong những hướng đi khả thi cho NATO là chuyển mình thành liên minh mang nhiều màu sắc chính trị hơn, có tiếng nói đủ trọng lượng trong các vấn đề thế giới và khu vực. Khi kết hợp sức mạnh quân sự sẵn có với nền tảng “mềm” này, NATO sẽ có vai trò mạnh mẽ hơn so với hiện nay.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, NATO buộc phải thích ứng với môi trường hoàn toàn mới. Đối thủ của tổ chức này đa dạng và phức tạp hơn, không chỉ từ phía Đông như trong suốt chiều dài lịch sử mà nay xuất hiện ở cả hướng Nam. Không gian và hình thức xung đột cũng mở rộng ra ngoài khuôn khổ quy ước truyền thống: Vũ trụ, không gian mạng, các thành phố châu Âu bị chủ nghĩa khủng bố tấn công.

Hầu hết các nguy cơ này đều nằm dưới mức cần phải viện dẫn Điều V, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, cho phép các nước thành viên yêu cầu NATO can thiệp trong trường hợp bị tấn công. Thách thức nhiều hơn, nhưng hiện NATO lại bị đặt trước nhiều nghi vấn về tương lai, vai trò và chức năng của tổ chức này, nhất là sau bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng, NATO đang “chết não” và việc Tổng thống Mỹ nêu ý tưởng rút ra khỏi liên minh quân sự này.

Theo giới quan sát, việc đề ra những mục tiêu mới là lựa chọn sáng suốt của NATO nhằm giữ cho các thành viên không đi lạc hướng, đồng thời bảo đảm vai trò của khối trong bản đồ chính trị thế giới. Vì vậy, những vấn đề thảo luận tại hội nghị, đặc biệt là đề nghị của Berlin và Paris, được đánh giá là hữu ích trong bối cảnh NATO, một liên minh thành lập để đối phó với những thách thức thời Chiến tranh Lạnh, đang dần trở nên không phù hợp với môi trường thế giới hiện đại với vô vàn mâu thuẫn, xung đột và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng khó lường.

Hoài Anh

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/nato-thuc-hien-chien-luoc-canh-tranh-khong-gian-vu-tru-75756.html