NATO thường 'ghé thăm', Nga tăng cường tàu tuần tra Sergei Kotov cho Hạm đội Biển Đen

Sắp tới, Hạm đội Biển Đen của Nga sẽ tiếp nhận tàu tuần tra Sergei Kotov nhằm đối phó với số lượng và tần suất các cuộc 'viếng thăm' của tàu chiến thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào vùng biển này ngày càng gia tăng.

Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga được tăng cường tàu tuần tra Sergei Kotov. (Nguồn iz.ru)

Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga được tăng cường tàu tuần tra Sergei Kotov. (Nguồn iz.ru)

Bộ Quốc phòng Nga đã phê chuẩn lịch trình thử nghiệm và bàn giao tàu cho Hải quân nước này. Theo đó, từ nay đến cuối năm, Hạm đội Biển Đen sẽ tiếp nhận tàu tuần tra Sergei Kotov thuộc dự án 22160.

Tàu Sergei Kotov có thể mang theo máy bay không người lái, robot ngầm (khi cần), hệ thống hỏa lực của tàu sẽ được tăng cường bằng vũ khí đặt trong những container chuyên dụng.

Giới chuyên gia nhận định, việc bổ sung sức mạnh cho Hạm đội Biển Đen lúc này là rất cần thiết, bởi vì trong thời gian gần đây, số lượng và tần suất các cuộc “viếng thăm” của tàu chiến NATO vào Biển Đen ngày càng gia tăng.

Theo một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, hiện nay tàu Sergei Kotov đang ở trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng tại một nhà máy của thành phố Kerch, phía Đông của bán đảo Crimea. Đội bàn giao và nghiệm thu đang tiến hành kiểm tra hoạt động của các hệ thống hỗ trợ, tổ hợp năng lượng, thiết bị thông tin, định vị, thiết bị lái, cùng toàn bộ hệ thống thiết bị khác trên tàu. Trong qua trình kiểm tra, đội ngũ chuyên gia phải xác định khả năng vận hành thực tế có tương ứng với các thông số đã nêu trong bản thiết kế hay không.

Hiện nay, trong biên chế của Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga có 3 tàu tuần tra thuộc dự án 22160, đó là tàu Vasily Bykov, tàu Dmitry Rogachev và tàu Pavel Derzhavin. Khi được biên chế về Hạm đội Biển Đen, tàu Sergei Kotov sẽ đảm nhận tuần tra khu vực cảng Novorossiysk.

Theo chuyên gia quân sự Nga Dmitry Boltenkov, các tàu tuần tra thuộc dự án 22160 hoạt động rất tích cực không chỉ trong khu vực Biển Đen, mà còn cả trong khu vực Địa Trung Hải, chúng có thể thực hiện các hoạt động giám sát rất hiệu quả không chỉ với một tàu chiến đơn lẻ, mà còn có thể giám sát cả một nhóm tàu chiến của đối phương. Trong trường hợp cần thiết, có thể truyền dữ liệu về chỉ huy Hạm đội hoặc về các tổ hợp tên lửa ven bờ, như tổ hợp Bal, hay tổ hợp Bastion.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ordzhonikidze đánh giá, xét từ góc độ địa chính trị, khu vực Biển Đen trong tương lai gần, khó có thể trở thành khu vực bình yên. Tàu chiến của Mỹ và các nước thành viên NATO không tiếp giáp với Biển Đen sẽ thường xuyên ra, vào nơi đây. Vị trí quân sự của Biển Đen được Mỹ đặc biệt quan tâm, vì từ đây, tên lửa hành trình từ các tàu khu trục hiện đại của Mỹ có thể bay tới các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp nằm ở phía Nam và khu vực trung tâm của Nga.

"Sự xuất hiện của các chiến hạm của NATO trên Biển Đen sẽ hỗ trợ rất nhiều về mặt tinh thần cho Ukraine và Gruzia”, ông Sergei Ordzhonikidze phân tích.

Tàu tuần tra mang tên Sergei Kotov là để tưởng nhớ chuẩn đô đốc Sergei Nikolaevich Kotov – vị anh hùng Liên Xô trong cuộc Chiến thanh Vệ quốc Vĩ đại. Đây là con tàu thứ 4 thuộc dự án 22160.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, tàu Sergei Kotov sẽ đảm nhiệm phòng thủ vùng duyên hải và bảo vệ các căn cứ ven bờ. Tham gia hộ tống tàu chiến của đối phương. Thực hiện các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Lượng choán nước của các tàu tuần tra thuộc dự án 22160, trong đó có tàu Sergei Kotov đạt 1.500 tấn, thủy thủ đoàn gồm 80 người, tốc độ tối đa đạt 25 hải lý/giờ. Có thể hoạt động liên tục ngoài biển 60 ngày. Được trang bị pháo tự động 76mm, hai súng phóng lựu DP-65, hai súng máy hạng nặng Kord và thiết bị chống hoạt động đột kích phá hoại.

Tàu tuần tra Sergei Kotov được thiết kế theo module, cho nên việc trang bị vũ khí hoặc lắp đặt thiết bị nào đều xuất phát từ yêu cầu cụ thể. Tất cả được bố trí trên container 40 feet đặt trên tàu. Hiện nay, Bộ quốc phòng Nga đang tích cực thử nghiệm các module mới, với vũ khí và thiết bị hỗ trợ, trong đó có các tổ hợp phòng không Redut và Pantsir-M, thiết bị chống ngầm và module tên lửa hành trình.

Các tàu tuần tra có thể sử dụng các thiết bị không người lái dưới nước và trên không, nhờ vậy mà kíp lái có thể theo dõi được tình hình trên không và dưới nước ở chế độ thời gian thực trong phạm vi hàng trăm km. Loạt tàu tuần tra thuộc dự án 22160 không chỉ hoạt động ở những vùng nước ấm, mà còn có thể hoạt động ở cả vùng Bắc Cực.

(theo iz.ru)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nato-thuong-ghe-tham-nga-tang-cuong-tau-tuan-tra-sergei-kotov-cho-ham-doi-bien-den-165338.html