Nấu ăn bán trú - nâng bước học sinh tới trường
Những năm qua, các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành về tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú tại các trường phổ thông và mầm non đã góp phần quan trọng để con em đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh, yên tâm học tập.
Chủ trương hợp lòng dân
Trước năm 2013, việc học tập của học sinh bán trú bậc tiểu học, THCS ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh rất khó khăn. Sống xa nhà, các em phải tự lo sinh hoạt cho bản thân, ăn ở trong những dãy lều tạm, sau giờ đi học, các em phải tự lo bữa ăn hàng ngày, học được vài buổi lại xin về nhà cách trường hàng chục cây số để lấy lương thực, thực phẩm. Cứ thế con chữ rụng rơi theo bữa no, bữa đói, nhiều em đã bỏ học.
Tháo gỡ tình trạng này, năm học 2013-2014 tỉnh ta thực hiện thí điểm việc nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú tại Trường phổ thông cơ sở Háng Đồng, huyện Bắc Yên (nay là Trường Tiểu học và THCS Háng Đồng). Triển khai mô hình, đã khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, đảm bảo sức khỏe, kết quả học tập các em được nâng lên. Sau đó, mô hình nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú bắt đầu được nhân rộng khắp các huyện.
Thời điểm đó, cùng với chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú của Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh kịp thời ban hành Nghị quyết số 61, Nghị quyết số 81 về chế độ, chính sách đối với học sinh bán trú, trường bán trú trên địa bàn tỉnh. Sau 4 tháng ban hành nghị quyết, đã có 130/162 trường phổ thông tổ chức nấu ăn tập trung, trong đó, 102 trường làm bếp ăn tập trung, 115 trường đã có vườn rau xanh, cải thiện bữa ăn cho học sinh.
Từ năm 2016 đến nay, HĐND tỉnh còn ban hành 5 lần nghị quyết liên quan đến công tác tổ chức nấu ăn cho học sinh các trường phổ thông để phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Riêng năm 2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 78 về hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trường mầm non công lập thuộc xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, phù hợp với nguyện vọng của nhà trường, phụ huynh, học sinh và đúng thời điểm, đưa công tác nấu ăn bán trú đi vào nền nếp, giúp các trường thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý, nấu ăn cho học sinh.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đánh giá: Các nghị quyết của HĐND tỉnh về tổ chức nấu ăn cho học sinh được xem như cuộc cách mạng trong thực hiện chủ trương chăm lo phát triển giáo dục vùng khó khăn ở Sơn La. Nghị quyết đi vào thực tiễn đã giúp giúp cho hàng trăm nghìn con em đồng bào dân tộc thiểu số giữ lại cơ hội đi học, nắm lấy cơ hội thay đổi cuộc đời.
Chất lượng dạy và học được nâng lên
Sau hơn 7 năm triển hiện tổ chức nấu ăn tập trung bán trú tại các trường phổ thông và hơn 2 năm triển khai thực hiện tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh mẫu giáo tại các trường mầm non thuộc xã vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 178 trường phổ thông tổ chức nấu ăn bán trú tập trung, gồm: 44 trường tiểu học, 123 trường THCS, 11 trường THPT với hơn 52.600 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ nấu ăn bán trú, hỗ trợ gạo; trong đó có 34.471 học sinh ăn tập trung bán trú tại trường; đã khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, đặc biệt là học sinh dân tộc Mông, Khơ Mú, La Ha.
Chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường ngày càng được nâng lên; tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng 17,6%, học sinh yếu kém giảm 19,7% so với trước khi chưa thực hiện nấu ăn bán trú. Toàn tỉnh có 61 trường mầm non thực hiện nấu ăn tập trung với 10.139 trẻ được ăn bán trú tập trung tại trường. Tỷ lệ trẻ phát triển bình thường về cân nặng chiếm 96,1%, tăng 8,7% so với trước khi ban hành nghị quyết; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chỉ còn 3,8%.
Chúng tôi đến trường PTDT bán trú - THCS Co Mạ (Thuận Châu) đúng lúc các thầy cô giáo, nhân viên tất bật chuẩn bị bữa trưa cho học sinh; các em xếp hàng thứ tự nhận những phần cơm nóng hổi. Thầy Nguyễn Như Thành, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường có 510 học sinh bán trú, hầu hết là con em người dân tộc Mông, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thực hiện nấu ăn bán trú, công việc giáo viên tuy có nhiều hơn nhưng ai cũng vui mừng khi thấy tỷ lệ học sinh bỏ học giảm; các em có thêm nhiều thời gian để tập trung học tập, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng hàng năm từ 5% - 10%.
Đến thăm Trường mầm non Hồng Ngài, giữa không gian của ngôi trường nhỏ, tiếng cười đùa của trẻ thơ hồn nhiên vang vọng. Cô giáo Hoàng Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường, nhớ lại: Trước đây, bữa sáng của các con là những nắm cơm nguội, có nhiều em còn không ăn sáng khi đến lớp; vì thế tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng rất cao, chiếm 15-20%; tỷ lệ bé chuyên cần chiếm 50%. Từ khi được tổ chức nấu ăn bán trú, bây giờ các con rất thích đi học, tỷ lệ bé chuyên cần đạt 100%; các con được đảm bảo thời gian học tập, ăn nghỉ, vui chơi khoa học; trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mạnh dạn, tự tin và phát triển toàn diện hơn, tỷ lệ suy dinh dưỡng chỉ còn dưới 6%.
Điểm nổi bật trong quá trình tổ chức nấu ăn tập trung bán trú là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp; các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nhân dân trên địa bàn đã đóng góp tiền mặt, hỗ trợ trang thiết bị, hiến đất, trị giá hơn 28 tỷ đồng, cùng với hàng nghìn ngày công để làm nhà bếp, nhà ở bán trú, tu sửa cơ sở vật chất phục vụ nấu ăn tập trung bán trú tại các trường. Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 3.146 phòng ở bán trú, 281 nhà bếp, 65 nhà ăn, 493 nhà vệ sinh, 360 công trình nước sạch, 7.268 giường cho học sinh; làm mới, cải tạo 229 vườn rau, nhiều trường học cơ bản tự túc được rau xanh; tổ chức chăn nuôi gia cầm, nuôi lợn cải thiện bữa ăn hàng ngày, góp phần giáo dục kỹ năng sống, ý thức lao động cho học sinh.
Có thể khẳng định, chính sách của tỉnh về nấu ăn bán trú cho học sinh mầm non, phổ thông đã phát huy hiệu quả rõ rệt, thể hiện sâu sắc sự chăm lo của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội đầu tư cho học tập, rèn luyện của con em các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh.