Nấu ăn bán trú - nâng bước học sinh vùng cao đến trường
Năm học 2019-2020, các xã vùng cao huyện Thuận Châu có 11 trường tổ chức nấu ăn tập trung cho hàng nghìn học sinh bán trú. Trong đó, có 4 trường tiểu học, 2 trường THCS, 4 trường TH-THCS và 1 trường THPT. Việc tổ chức nấu ăn bán trú đã giúp học sinh vùng cao yên tâm đến trường.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu hầu hết thuộc diện hộ nghèo, các bản nằm rải rác xa trung tâm; học sinh ở bản xa nhất muốn đến trường phải đi hàng chục km. Những năm trước đây, tình trạng học sinh bỏ học diễn ra khá phổ biến, nhưng từ khi thực hiện mô hình tổ chức nấu ăn bán trú, đã giảm hẳn tình trạng bỏ học giữa chừng, các em yên tâm đến trường, chất lượng học tập được nâng lên.
Chúng tôi đến Trường TH-THCS Long Hẹ đúng giờ ăn trưa của học sinh, nhà ăn rộng rãi, khang trang, bàn ghế được sắp xếp gọn gàng, những suất cơm được nhân viên chia vào khay i nox sạch sẽ. Nhận suất cơm của mình tại bàn ăn quen thuộc, em Quàng Thị Oanh, lớp 9A, chia sẻ: Nhà em ở bản Noong Cốc cách trường hơn 10 km, đường đất, dốc cao, đi lại khó khăn, từ năm lớp 6 em được ở bán trú, ngoài giờ học, em còn tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, trồng rau, chăm sóc vườn hoa, ở đây có nhiều bạn cùng giúp nhau học tập, không phải nghỉ học giúp bố mẹ làm nương.
Trao đổi với thầy giáo Nguyễn Hồng Hà, Hiệu trưởng được biết, năm học 2019-2020, trường có 645 học sinh bán trú, chủ yếu là dân tộc Mông, Thái; trong đó, 345 học sinh tiểu học và 300 học sinh THCS. Trường hiện có 14 phòng ở bán trú, mỗi bậc học bố trí 5 nhân viên nấu ăn cho học sinh, thực phẩm hợp đồng với các đơn vị đủ điều kiện cung ứng và đảm bảo nguồn gốc rõ ràng; nhân viên y tế có nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm và lưu mẫu thức ăn. Từ việc thực hiện tốt công tác nấu ăn bán trú, bây giờ giáo viên không phải đến tận các gia đình vận động cho con đến trường như trước đây. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã, đặc biệt là Trung tâm Huấn luyện vận động viên thể thao tỉnh, là đơn vị được giao nhiệm vụ giúp đỡ xã Long Hẹ đã ủng hộ nhà trường chăn, gối, màn, chiếu và các đồ dùng thiết yếu, tổng trị giá gần 60 triệu đồng. Ngoài ra, phụ huynh đã đóng góp gần 100 triệu đồng để làm 2 nhà bán trú, đảm bảo chỗ ở, sinh hoạt cho học sinh. Không chỉ được giáo dục kiến thức, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, các em còn được dạy những kỹ năng sống cơ bản, mỗi lớp đều có một khoảnh đất để các em trồng rau, sản phẩm được nhà trường mua lại để gây quỹ.
Rời trường TH-THCS Long Hẹ, chúng tôi tiếp tục đến Trường TH-THCS Pá Lông, đón chúng tôi là thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng nhà trường, thầy cho biết: Trường có 458 học sinh ở bán trú, 100% là dân tộc Mông, ngoài việc chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, các thầy, cô còn luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm của học sinh; thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao, giúp các em phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần, trí tuệ, vơi đi nỗi nhớ nhà, yên tâm học tập. Năm học 2017-2018, được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền xã Pá Lông và đóng góp của phụ huynh, Trường TH-THCS Pá Lông đã xây dựng thêm nhà bán trú kiên cố, trị giá trên 100 triệu đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu ăn, ở của học sinh. Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã khảo sát và triển khai sửa chữa 2 nhà bếp, mua sắm dụng cụ nấu ăn.
Còn ở Trường TH-THCS Co Tòng cũng đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp thành lập quỹ bán trú để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm dụng cụ nấu ăn, trường vừa mua 2 máy lọc nước công suất lớn để các em được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.
Theo ông Thiệu Nam Bình, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thuận Châu, từ năm 2014 đến nay, thực hiện công tác nấu ăn cho học sinh bán trú, huyện đã tập trung ưu tiên đầu tư nâng cấp, xây dựng, sửa chữa các trường trung tâm và các điểm trường lẻ, nhà công vụ giáo viên, nhà ở bán trú, bếp ăn tập thể, các công trình vệ sinh cho học sinh bán trú ở các xã vùng cao. Trước đây, tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh dưới 95%, đến nay, tỷ lệ học sinh đến lớp đạt trên 98%. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ở các trường vùng cao, học sinh đã được chăm sóc, ăn ngon, ngủ ấm. Để công tác nấu ăn bán trú cho học sinh vùng cao ngày càng hiệu quả, ngoài sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục, cần nhiều hơn sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để các em có thêm điều kiện học tập, thắp sáng ước mơ đến trường.