Nấu ăn gắn kết tình mẹ con

Vòng loại thứ nhất của cuộc thi Vào bếp cùng mẹ mùa hai đã tìm ra hai cặp mẹ và bé chiến thắng vào vòng chung kết.

(SGTT) – Vòng loại thứ nhất của cuộc thi Vào bếp cùng mẹ mùa hai đã tìm ra hai cặp mẹ và bé chiến thắng vào vòng chung kết.

Các cặp mẹ con đã có những trải nghiệm thú vị, đáng nhớ sau những giây phút cùng nhau nấu ăn.

Cùng con trai Nguyễn Phúc đi thi, chị Ngô Thị Hồng Ngọc, giáo viên của trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM bộc bạch trong bản đăng ký: “Cả hai mẹ con đều yêu thích nấu ăn. Bé và mẹ muốn có thêm nhiều trải nghiệm khi tham gia cuộc thi”. Chiến thắng vòng loại lần này, chị lại có thêm nhiều cảm xúc hơn.

Mong con có sự trải nghiệm

Giám khảo quan sát cặp mẹ và con Vũ Quỳnh Nga – bé Nguyễn Minh Trí ở cuộc thi ngày 30-6. Ảnh: Trần Linh

Giám khảo quan sát cặp mẹ và con Vũ Quỳnh Nga – bé Nguyễn Minh Trí ở cuộc thi ngày 30-6. Ảnh: Trần Linh

Từ khi con trai được ba tuổi, chị Ngọc đã bắt đầu khuyến khích con vào bếp phụ mẹ. Bé sẽ nhặt rau, vo gạo giúp chị. Ngay từ đầu bé đã tỏ ra rất thích công việc trong bếp và giờ đây sau ba năm, bé được 6 tuổi, tình yêu với bếp cũng được nhân lên. Bé cũng biết được nhiều điều về thế giới nấu nướng, phụ giúp mẹ nhiều hơn.

Với sự theo dõi của mẹ để bé không gặp nguy hiểm, bé có thể chiên trứng, làm trứng ốp la, rửa rau, luộc rau và đặc biệt sau mỗi bữa ăn bao giờ cũng biết dọn dẹp chén dĩa bẩn.

Theo chị Ngọc, để lớn lên, trưởng thành thì con cái không chỉ cần biết chữ, có kiến thức toán, lý, hóa, sinh mà còn cần biết nấu nướng, từ món đơn giản đến phức tạp tùy theo lứa tuổi. Vào bếp cùng mẹ sẽ giúp con có kỹ năng sống tưởng như đơn giản nhưng lại rất quan trọng.

Ấy là kỹ năng tự chăm sóc bản thân mình, tự nấu cho mình bữa cơm. Từ đó, con sẽ biết chăm sóc, quan tâm người khác, dần hình thành sự tự tin, dạn dĩ.

Hai cặp mẹ con tham gia Vào bếp cùng mẹ mùa 2

Hai cặp mẹ con tham gia Vào bếp cùng mẹ mùa 2

“Thời nay, cha mẹ thường sinh ít con nên hay chìu chuộng, thấy con học hành căng thẳng nên không yêu cầu, khuyến khích con làm việc nhà hoặc vào bếp. Thế nên có những nữ sinh lớp 12 rồi mà không phân biệt được các loại rau, không nấu nổi một hai món ăn đơn giản cho bản thân”, chị Ngọc chia sẻ.

Các bé trai thì có khi học đại học, lấy vợ rồi cũng chưa một lần rửa chén. Đó thực sự là thiệt thòi cho chính những đứa trẻ.

Theo chị Ngọc, khi được trang bị đầy đủ các kỹ năng, trẻ sẽ có một cuộc sống phong phú, nhiều trải nghiệm thú vị, vui vẻ.

Mẹ con chia sẻ, tâm tình

Một số món ăn do thí sinh nấu tại vòng loại cuộc thi. Ảnh: Trần Linh

Một số món ăn do thí sinh nấu tại vòng loại cuộc thi. Ảnh: Trần Linh

Cũng chiến thắng vòng loại vừa qua, chị Dương Xuân Hoàng Ngân kể rằng con gái là Gia Hân, 6 tuổi, rất thích nấu ăn và làm bánh.

Thế nên khi biết có cuộc thi Vào bếp cùng mẹ là chị đăng ký tham gia ngay. Chị mong muốn bé sẽ có sự trải nghiệm, học hỏi và có cơ hội giao lưu với các bạn cùng lứa tuổi.

Ở nhà, từ khi 4 tuổi, bé Hân đã được phụ mẹ làm bếp. Ban đầu chỉ là giúp mẹ lặt rau, sắp chén dĩa, bóc hành, tỏi, dần dần bé biết giúp mẹ cắt cà chua, vo gạo, nấu cơm, cắt hành, đập tỏi, rửa chén…

Cùng mẹ làm việc trong gian bếp còn giúp bé phân biệt được nhiều loại thực phẩm, rau củ quả khác nhau. Đâu là rau muống, đâu là rau cải, rau dền; rồi thịt bò màu đỏ hơn thịt heo ra sao; mùi của tỏi khác mùi của hành…

Chị Ngân cho rằng việc cùng mẹ làm bếp, trải nghiệm việc nấu nướng, chạm tay vào thực phẩm, cảm nhận mùi vị thức ăn sẽ giúp bé hình thành nhiều kỹ năng. Đó là rèn luyện sự khéo léo của đôi tay, ngón tay; việc được nấu ăn sẽ giúp bé biết quý đồ ăn, cảm nhận đồ ăn; biết thưởng thức món ăn, không bỏ mứa và dễ ăn, tránh tình trạng biếng ăn, kén ăn.

“Bé ăn chậm nhưng từ trước tới nay không bị tình trạng biếng ăn, kén ăn, món gì bé cũng thử vì trước đó được nấu cùng mẹ mà. Thử xong, có khi còn thích món ăn đó nữa”, chị Ngân kể.

Và một điều quan trọng, theo chia sẻ từ những người mẹ dự thi, chính trong gian bếp ấm áp mùi nước mắm, mùi đồ ăn, tình cảm mẹ con được gắn kết hơn bao giờ hết. V

ừa nấu ăn, hai mẹ con cùng trò chuyện việc học ở trường, suy nghĩ của con về sự việc xảy ra hay mới nhìn thấy, kể về cô bạn mới quen…

Tâm tư tình cảm của con, mẹ hiểu; tình cảm của ba mẹ dành cho con, con biết. Đó là giá trị thực sự khi mẹ con cùng nấu một bữa cơm đậm đà tình cảm gia đình.

Vũ Yến

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/nau-an-gan-ket-tinh-me-con/