Nấu cơm 'tiếp sức' các chiến sĩ xuyên đêm làm căn cước công dân
Thương các chiến sĩ công an 'xuyên ngày, xuyên đêm' làm căn cước công dân cho bà con, chị em phụ nữ xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) tự nguyện góp tiền, góp sức để lo các bữa cơm tổ làm căn cước lưu động.
Mấy ngày nay, cứ chiều chiều căn nhà của chị Nguyễn Thị Cẩn (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) luôn rộn ràng bởi đây là địa điểm "tập kết" thực phẩm và chế biến các bữa cơm cho Tổ công tác lưu động làm căn cước công dân.
Thoăn thoắt nhặt rau, sơ chế các loại thực phẩm, chị Cẩn cho hay hoạt động này đã được các chị em trên toàn xã triển khai hơn 1 tuần nay. "Thấy các chiến sĩ về tận thôn để cấp căn cước công dân lưu động, chia ca làm liên tục từ sáng sớm đến tận khuya rất vất vả, nhiều khi chỉ ăn tạm mì tôm, bánh mì nên chúng tôi quyết định nấu những bữa "cơm nhà" để tiếp sức cho họ", chị Cẩn nói.
Các chi hội phụ nữ tự họp bàn, trích quỹ và vận động mọi người cùng đóng góp để tổ chức nấu cơm miễn phí cho các chiến sĩ trong tổ lưu động. “Chúng tôi phân công nhau đi chợ, rồi tập trung ở một địa điểm để chế biến, nấu nướng bữa ăn tối và ăn khuya phục vụ các tổ công tác. Thấy các chiến sĩ làm việc quên ăn để hỗ trợ người dân nên chúng tôi muốn góp phần nhỏ để "tiếp sức" cho các chiến sĩ", chị Cẩn chia sẻ.
Theo chị Hồ Thị Lai, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hòa Tiến, khi thấy tổ công tác vất vả làm việc liên tục trong điều kiện thời tiết nắng nóng, Hội đã kêu gọi mọi người cùng đồng hành, chia sẻ với tổ công tác. Không lâu sau đó, "bữa ăn tình quân dân" ra đời.
Chỉ trong vòng 1 tuần sau khi phát động, toàn xã có 9 chi hội phụ nữ đăng ký nấu cơm tối, phục vụ bữa ăn khuya cho các tổ công tác lưu động làm căn cước công dân trên địa bàn. Trung bình, mỗi bữa ăn trị giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng.
“Kinh phí là từ nguồn đóng góp tự nguyện của các chị em phụ nữ và một phần từ quỹ hội. Giá trị bữa ăn không lớn nhưng đó là tấm lòng, sự chia sẻ của chúng tôi đối với các tổ công tác tại địa phương”, chị Lai nói.
Thiếu tá Lê Thanh Duy, Tổ trưởng tổ máy lưu động số 3 (Công an huyện Hòa Vang) cho biết, vì số lượng người làm căn cước công dân quá đông nên việc ăn uống của các chiến sĩ thường bị đứt quãng, bỏ dở, thậm chí, nhiều người ăn mì tôm qua bữa.
“Chúng tôi rất vui và cảm động trước tấm lòng của bà con nơi đây. Những bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng, thắm tình quân dân này là động lực giúp cho cán bộ chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thiếu tá Duy chia sẻ.