NCKH trong trường phổ thông: Mang kiến thức sách vở ra thực tiễn

Hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) trong các trường phổ thông đang góp phần thúc đẩy tư duy sáng tạo và nỗ lực đưa kiến thức sách vở ra thực tiễn.

NCKH giúp HS phát triển toàn diện. Ảnh: IT

NCKH giúp HS phát triển toàn diện. Ảnh: IT

Tuy nhiên, để NCKH trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh (HS) đòi hỏi nhà trường không chỉ vượt khó về cơ sở vật chất mà cần cả sự định hướng, khuyến khích, động viên giáo viên (GV) và HS.

Sân chơi ý nghĩa

Bùi Nguyên Nghĩa, HS Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) vừa đoạt giải Nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2020 chia sẻ: “Việc học tập, thi học kỳ tại trường chiếm thời gian không nhỏ. Nếu không bố trí hợp lý sẽ không có thời gian để nghiên cứu đề tài, tìm hiểu thực tế.

Chính vì vậy, để vừa học tốt, vừa tham gia nghiên cứu đề tài, em phải tập trung cao độ cho việc học trên lớp và ở nhà vào các buổi trong tuần. Ngày nghỉ cuối tuần, các tiết tự học tại trường em dành để nghiên cứu, tìm hiểu dự án…”.

NCKH đối với HS THPT làm HS bận hơn trong quá trình học tập song Bùi Nguyên Nghĩa cũng khẳng định: “Đây là sân chơi cần thiết để HS áp dụng kiến thức sách vở vào thực tế. NCKH mang tới cơ hội để HS củng cố kĩ năng mềm trong cuộc sống, bước tiền đề để làm quen, vững vàng với những luận án, NCKH khi vào ĐH…”.

Thầy Nguyễn Mạnh Tú, GV Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) cũng khẳng định: “NCKH trong trường phổ thông giúp HS hình thành phương pháp NCKH (phải bắt đầu từ đâu, theo những bước nào); Hình thành thói quen tự học, tìm tòi, tự tin khi đứng trước một vấn đề khó.

Được trang bị nhiều kiến thức, công nghệ mới, hiện đại và kĩ năng khi làm việc… Tuy nhiên, phải để HS chủ động trong nghiên cứu, kiến thức và kĩ năng các em có được từ quá trình NCKH mới bền vững. HS sẽ đam mê hơn khi chính mình tìm ra hoặc giải quyết được các vấn đề của lý thuyết và thực tiễn…”.

Mang lý thuyết từ sách vở ứng dụng vào thực tiễn khi tham gia NCKH. Ảnh: IT

Mang lý thuyết từ sách vở ứng dụng vào thực tiễn khi tham gia NCKH. Ảnh: IT

Thúc đẩy NCKH: Từ vật chất… tới tinh thần

Thầy Hoàng Hải Nam – Hiệu trưởng Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) bày tỏ: Trong các năm gần đây, nhà trường có nhiều dự án đại diện cho ngành Giáo dục Ninh Bình tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia và trong 3 năm liên tiếp nhà trường có dự án đoạt giải quốc gia.

Để làm được điều này, trường thực hiện nhiều giải pháp từ tuyên truyền, khích lệ đến phân công, giao nhiệm vụ, kiểm tra đôn đốc. Cùng đó, phát động nhiều cuộc thi với cán bộ, GV, HS trong trường như: Cuộc thi Sáng tạo đồ dùng dạy và học; Ý tưởng sáng tạo, Thi Khoa học kỹ thuật, Sáng tạo trẻ… Qua các cuộc thi đã phát hiện và lựa chọn được những HS có tố chất, say mê NCKH và các dự án có ý tưởng sáng tạo tiếp tục bồi dưỡng, phát triển.

Đặc biệt, nhà trường trích một phần kinh phí từ ngân sách, xã hội hóa hỗ trợ và khen thưởng cho dự án nghiên cứu có ý tưởng tốt, tiềm năng cũng như dự án đạt kết quả cao trong các cuộc thi. Ngoài việc động viên bằng vật chất, thầy cô giáo và HS đạt kết quả cao trong các cuộc thi còn được vinh danh đề nghị khen thưởng ở nhiều cấp…

Cũng như nhiều quản lý trường phổ thông, thầy Hoàng Hải Nam trăn trở: Cơ sở vật chất dành cho dạy và học nói chung, công tác NCKH nói riêng còn thiếu thốn là khó khăn thách thức không nhỏ với thầy và trò nhà trường khi tham gia NCKH.

Song khó khăn lớn hơn cả là việc khơi dậy niềm đam mê NCKH, tự tin thể hiện mình của HS, sự hạn chế về kinh nghiệm hướng dẫn nghiên cứu của các thầy cô giáo. Do đó, nhà trường phải bắt đầu từ việc giao nhiệm vụ và tiến hành nghiên cứu từ những dự án nhỏ, ý tưởng đơn giản.

Mức độ phức tạp, quy mô dự án tăng dần trong năm học khi kinh nghiệm cũng như sự tự tin, say mê nghiên cứu của thầy và trò được nuôi dưỡng qua các năm học. Từ những dự án đầu tiên theo kiểu “ép đẻ” đạt kết quả chưa cao trong cuộc thi KHKT, 3 năm gần đây, thầy và trò nhà trường liên tiếp nhận được “trái ngọt” từ hoạt động NCKH.

Dưới góc độ GV hướng dẫn HS trong hoạt động NKCK, cô Phạm Thị Minh Huệ - Trường THPT chuyên Lào Cai cũng cho rằng, vai trò, trách nhiệm của người thầy không đơn giản để những công trình NCKH của HS đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong khó khăn, GV phải tìm ra động lực để hỗ trợ HS đi đến thành công.

Để nhân rộng hoạt động NCKH và đạt được những thành tích đáng tự hào, cô Nguyễn Dạ Ngân – Trường THPT Đồng Dậu (Vĩnh Phúc) cho biết: Nhà trường đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp và bắt đầu từ việc lập kế hoạch khả thi triển khai hoạt động NCKH. Tiếp đó, nâng cao nhận thức và hiểu biết về NCKH tới GV, HS và cha mẹ HS.

Trường cũng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu ý tưởng và cuộc thi cấp trường; Tăng cường công tác phối hợp 3 trụ cột: Gia đình – Nhà trường – Chuyên gia. Đặc biệt làm tốt công tác thi đua khen thưởng, giải quyết vấn đề kinh phí và cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt động NCKH…

Động lực cho HS có thể đơn giản là được tiếp xúc tìm hiểu với kiến thức và con người mới. Cũng có thể xuất phát từ nhu cầu được NCKH của HS và khi tìm đến GV nhờ hướng dẫn. Thậm chí động lực xuất phát từ trách nhiệm, tình cảm của GV đối với HS. GV phải là người nuôi dưỡng trong HS tình yêu với NCKH, giúp tình yêu NCKH ngày càng lớn thêm thì thành công sẽ đến với HS. Cô Phạm Thị Minh Huệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nckh-trong-truong-pho-thong-mang-kien-thuc-sach-vo-ra-thuc-tien-EllTHAcMg.html