'Nể mặt' nhiều vấn đề nhưng ông Trump và ông Putin sẽ không 'nhường' nhau ở Venezuela?

Tổng thống Trump chưa bao giờ đưa ra một mệnh lệnh nào mang tính chất thẳng thừng đối với Nga. Nhưng lần này, ông đã không ngại ngần tuyên bố 'Nga phải rời khỏi' Venezuela.

Tổng thống Putin ủng hộ chính quyền hợp pháp ở Venezuela.

Tổng thống Putin ủng hộ chính quyền hợp pháp ở Venezuela.

Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với một bài kiểm tra quan trọng về chính sách đối ngoại và quyết tâm của ông đối với vấn đề Venezuela. Chính quyền của ông đã thể hiện rõ ràng lập trường không còn coi nhà lãnh đạo Nicolas Maduro là tổng thống bất chấp việc ông thực sự là nhà lãnh đạo hợp pháp của đất nước Nam Mỹ.

Đổi lại, Washington công khai ủng hộ Juan Guaidó, người đứng đầu Quốc hội Venezuela, với tư cách là nhà lãnh đạo lâm thời của đất nước – điều bị nhiều quốc gia phản đối và chỉ trích Mỹ là can thiệp vào tình hình chính trị nước khác.

Tổng thống Trump còn đi xa đến mức thúc giục quân đội Venezuela không tuân theo mệnh lệnh của Tổng thống Maduro. Những tuyên bố này có sức nặng hơn nhiều so với đường ranh giới màu đỏ mà cựu Tổng thống Barack Obama vẽ ra xung quanh Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, theo tờ Washington Post, cho đến nay, áp lực của chính quyền Trump đã không có hiệu quả. Tổng thống Maduro vẫn tiếp tục nhiệm vụ của mình và quân đội Venezuela không hề có ý định từ bỏ sự hỗ trợ của mình đối với người đứng đầu đất nước.

Mặc dù các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể gây tổn thương cho Venezuela, nhưng điều này cũng có thể có tác dụng ngược lại bằng việc thúc đẩy tinh thần dân tộc, củng cố thêm sự ủng hộ của người dân đối với chính quyền Maduro. Đây chính là những gì mà Mỹ đã phải đối mặt khi thực hiện các lệnh trừng phạt với Cuba, Triều Tiên và Iran.

Venezuela là một quốc gia đang gặp những vấn đề phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội – điều có thể trở thành miếng mồi ngon cho các quốc gia bên ngoài lấy cớ can thiệp.

Nhưng quan trọng hơn cả trong nhiệm vụ giữ vững chính quyền hợp pháp trong nước của Tổng thống Maduro là sự hỗ trợ cởi mở và đáng kể của Nga. Moscow vừa xác nhận rằng họ đã gửi nhân viên quân sự đến Venezuela. Hai máy bay quân sự Nga đã tới nước này vào cuối tuần trước, mang theo khoảng 100 binh sĩ.

Đây chỉ là sự phát triển mới nhất trong một loạt các động thái của Moscow để ủng hộ và củng cố chính quyền Maduro. Trong vài năm qua, Nga đã cung cấp lúa mì, vũ khí, tín dụng và tiền mặt cho Chính phủ hợp pháp ở Caracas.

Ước tính tổng đầu tư của Nga vào Venezuela dao động từ 20 tỷ cho đến 25 tỷ USD. Nga hiện kiểm soát gần một nửa công ty dầu mỏ Citgo của Venezuela, có trụ sở ở Mỹ. Quân đội Venezuela cũng sử dụng gần như hoàn toàn các thiết bị quân sự của Nga.

Venezuela có thể sẽ là vấn đề nóng bỏng giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ.

Venezuela có thể sẽ là vấn đề nóng bỏng giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ.

Việc thể hiện rõ ràng sự ủng hộ đối với Venezuela là bước đi mang nhiều ý nghĩa đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế Venezuela đã chững lại và bất ổn gia tăng, hầu hết các công ty Nga đã từ bỏ nước này vì lo ngại rủi ro. Nhưng, như chuyên gia Vladimir Rouvinski viết trong một báo cáo cho Trung tâm Wilson, gã khổng lồ dầu mỏ của Nga Rosneft vẫn kiên trì và thậm chí tăng cường hoạt động ở Venezuela. Công ty này được lãnh đạo bởi Igor Sechin, người thường được coi là người đàn ông quyền lực thứ hai ở Nga.

Nói cách khác, chính quyền Putin hoàn toàn nghiêm túc trong việc ủng hộ Tổng thống Maduro. Ông đang làm điều này một phần để giúp đỡ cho người bạn, đồng minh thân thiết, bên cạnh việc gia tăng thêm sức mạnh của Nga trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, nhưng trên hết là vì mục tiêu chính sách đối ngoại trọng tâm - hình thành một liên minh đối đầu với ảnh hưởng của Mỹ và mở ra một thế giới đa cực hơn.

Những nỗ lực của Nga dường như được thiết kế để thách thức Mỹ, quốc gia đã công bố Học thuyết Monroe vào năm 1823, cảnh báo các cường quốc nước ngoài tránh xa vùng Tây bán cầu.

Theo cây bút Fareed Zakaria của tờ Washington Post, câu hỏi lớn đối với Mỹ lúc này là: Liệu Mỹ có cho phép Moscow vượt qua một lằn ranh đỏ khác của Mỹ hay không?

Và cũng tương tự như ở Syria, một khi Washington thực hiện hành động quân sự, nước này sẽ được chứng kiến một Venezuela được hỗ trợ bằng vũ khí và ảnh hưởng của Nga.

Chính quyền Trump vài ngày qua đã tỏ ra cứng rắn về sự tham gia của Nga ở Venezuela. Thậm chí, đích thân Tổng thống Trump đã tuyên bố “Nga phải rời đi”. Đây được coi là một tuyên bố khá bất ngờ từ nhà lãnh đạo Mỹ, người gần như chưa bao giờ đưa ra một mệnh lệnh nào mang tính chất thẳng thừng đối với Nga như vậy trong rất nhiều vấn đề.

Theo cựu đại sứ Mỹ tại Moscow, Michael McFaul, viết trên tờ The Post, Tổng thống Trump có một mô hình nhất quán về việc không tiến hành những động thái mâu thuẫn với chính sách đối ngoại của chính quyền Putin.

Tổng thống Trump đã đe dọa rút khỏi NATO và tuyên bố loại bỏ quân đội Mỹ khỏi Syria – những động thái được cho là vô tình hay hữu ý đều có lợi cho Moscow. McFaul chỉ ra: Ngay cả về những vấn đề nhỏ không liên quan đến lợi ích quốc gia Mỹ, Tổng thống Trump dường như cũng có sự đồng điệu với Tổng thống Putin.

Điều này đã khiến những ý kiến trong giới chính trị Mỹ đặt câu hỏi: Tại sao ông Trump không sẵn lòng đối đầu với Nga về bất kỳ vấn đề nào? Với tuyên bố thẳng thắn Nga cần rời khỏi Venezuela, liệu đây có phải là lần đầu ông Trump muốn đối đầu thực sự với Nga?

Câu hỏi sẽ sớm được trả lời trong vài ngày tới.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hoa-diu-nhieu-van-de-nhung-venezuela-se-la-noi-ong-trump-thuc-su-doi-dau-voi-ong-putin-a427739.html