Neil Gaiman bán đấu giá bộ sưu tập để ủng hộ quỹ tác giả

Theo The New York Times, từ ngày 1/3, bộ sưu tập gồm truyện tranh, bìa báo, hình vẽ minh họa, tượng... gắn với nhiều kỷ niệm sáng tác của Neil Gaiman sẽ được tác giả bán đấu giá.

 Neil Gaiman. Ảnh: MasterClass.

Neil Gaiman. Ảnh: MasterClass.

Khi được hỏi lý do ông bán một số tác phẩm truyện tranh gốc, đồ chơi và những món đồ sưu tầm khác, Neil Gaiman trả lời: “Tôi thích ý tưởng lan tỏa niềm vui”.

Lan tỏa niềm vui từ những món đồ sưu tầm

Gaiman cho biết được truyền cảm hứng từ người bạn Geoffrey Notkin của chương trình “Người thiên thạch” (Meteorite Men) trên Kênh Khoa học (Science Channel). Notkin đã bán đấu giá một phần bộ sưu tập thiên thạch của mình và quyên góp một phần số tiền thu được cho tổ chức từ thiện.

Ông nhớ lại, trong những ngày lockdown đen tối hồi đại dịch, việc mua các tác phẩm nghệ thuật mang lại niềm an ủi đặc biệt. Tác phẩm về đến và ông “vui mừng khôn xiết”. Ông mua được bức vẽ Winnie-the-Pooh và Piglet trong tuyết của họa sĩ người Anh EH Shepard. "Nếu ai đó phù hợp đến nhà, tôi liền khoe, 'Đến xem cái này đi'".

Với ông, quyền sở hữu tác phẩm nghệ thuật tương đương với quyền giám hộ: “Bạn có trách nhiệm gìn giữ tác phẩm an toàn, cầu mong nhà mình không bị cháy rụi khi nó đang trong vòng tay săn sóc của bạn. Rồi công việc đó có thể chuyển sang người tiếp sau, bạn lại hy vọng ngôi nhà của họ không bị cháy”.

Gaiman sẽ quyên góp một phần số tiền đấu giá cho Sáng kiến Anh hùng (Hero Initiative) - quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho người sáng tạo truyện tranh và Quỹ Liên đoàn Tác giả (Authors League Fund) trợ giúp các nhà văn gặp khó khăn tài chính. Ông cũng sẽ tặng một phần số tiền thu được cho các nghệ sĩ còn sống có tác phẩm bán được. Các mặt hàng đang được trưng bày tại Nhà đấu giá Di sản ở Dallas và cuộc đấu giá bắt đầu vào ngày 1/3.

Các tác phẩm nổi bật sẽ được đấu giá

Trang 16, số 7 từ truyện Watchmen (trái) và trang thử bản in của The Wake (phải). Ảnh: NYT.

Trang 16, số 7 từ truyện Watchmen (trái) và trang thử bản in của The Wake (phải). Ảnh: NYT.

Trang 16, Số 7 từ truyện Watchmen của Alan Moore và Dave Gibbons. Họ tặng Gaiman trang này để cảm ơn ông đã nghiên cứu về bộ truyện. Ông chia sẻ: Trang này gần như báo trước sự thật rằng tôi sẽ viết Sandman - bộ truyện tranh trong mơ”. Năm 1987, khi số báo này xuất bản, một trang có thể đã được bán với giá vài trăm USD. Năm ngoái, một trang trong số đầu tiên của bộ truyện được bán với giá 115.625 USD.

Gaiman hợp tác với nghệ sĩ Michael Zulli vào năm 1995 trên tờ “The Wake” cho loạt truyện Sandman. “Tôi yêu nghệ thuật của Michael và luôn cảm thấy hơi buồn khi không ai ngoại trừ tôi được nhìn thấy những nét bút chì". (Thông thường trang truyện sẽ lần lượt do người vẽ chì vẽ, rồi chuyển đến người đi mực - để diễn giải và làm tối các đường nét để đi in.) Trang này dùng để kiểm tra xem liệu có thể sao chép truyện tranh từ bức vẽ chì của Zulli để sản xuất hay không. Nó đáp ứng được yêu cầu trên nhưng phải vẽ lại khi Gaiman điều chỉnh nhịp độ cảnh khác đi trong kịch bản cuối cùng của mình.

Hình minh họa Thần chết - một nhân vật trong Sandman của Jean Giraud (trái) và Bìa của Swamp Thing số 66 (phải). Ảnh: NYT.

Hình minh họa Thần chết - một nhân vật trong Sandman của Jean Giraud (trái) và Bìa của Swamp Thing số 66 (phải). Ảnh: NYT.

Hình minh họa Thần chết - một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong Sandman, thực hiện bởi Jean Giraud - bút danh Moebius - người qua đời vào năm 2012. “Tôi rất thích và treo nó trên tường nhà mình, nhưng có người ngoài kia muốn xem trực tiếp tác phẩm nghệ thuật của Moebius và bức vẽ Thần chết”, Gaiman nói.

Bìa của Swamp Thing số 66 do Rick Veitch - người viết bộ truyện từ Số 65 đến Số 87 - trao cho Gaiman. Tác phẩm của ông kể về câu chuyện du hành thời gian của Swamp Thing. DC Comics từ chối xuất bản Số 88, trong đó Swamp Thing bị đóng đinh. Veitch thôi việc và Gaiman - người tiếp quản, đã lên kế hoạch cho câu chuyện kéo dài ba năm, cũng nghỉ. Gaiman chia sẻ: “Swamp Thing là bộ truyện tranh đã đưa tôi trở lại với truyện tranh. Tôi khá tin rằng mình được sinh ra trên trái đất này để thực hiện Swamp Thing, và bây giờ tôi sẽ từ chức.”

Thiệp Giáng sinh Gaiman nhận vào năm 1989 (trái) và tượng Sandman làm vào năm 1991 (phải). Ảnh: NYT.

Thiệp Giáng sinh Gaiman nhận vào năm 1989 (trái) và tượng Sandman làm vào năm 1991 (phải). Ảnh: NYT.

“Có một vài tấm thiệp Giáng sinh còn sót lại trong những năm qua” - ông nhắc đến tấm thiệp năm 1989 kể câu chuyện dài 100 từ về Thánh Nicholas, với lối viết thư pháp của Dave McKean - người vẽ bìa bộ truyện Sandman. Gaiman nói: “Tôi không biết làm thế nào định lượng được giá trị của thứ này. Nhưng tôi biết nó sẽ khiến người nhận hạnh phúc”.

Gaiman đặc biệt yêu thích bức tượng Sandman năm 1991 (với con quạ trung thành Matthew trên vai), bức thứ 10 trong tổng số 1.800 bức được sản xuất. Tượng do Randy Bowen điêu khắc dựa trên thiết kế của họa sĩ truyện tranh Kelley Jones, người từng làm việc cho Sandman. Gaiman nói: “Cảm giác như chúng tôi đã bắt đầu điều gì đó với những bức tượng đặc biệt này”.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/neil-gaiman-ban-dau-gia-bo-suu-tap-de-ung-ho-quy-tac-gia-post1462115.html