Ném bom mô phỏng vào trận địa tên lửa - Mỹ rèn luyện cho không chiến
Trụ sở quân xanh được thiết kế mô phỏng theo kẻ thù giả định, nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không để thách thức các phi công, đó là cách Mỹ chuẩn bị cho không chiến tương lai.
Trên khu vực huấn luyện không chiến của Không quân Mỹ ở Alaska, trung tá Jason Monaco lái chiếc tiêm kích F-16D trong vai trò quân xanh, rẽ đột ngột sang bên phải trong cuộc không chiến mô phỏng chống lại 8 máy bay chiến đấu khác cùng với các phi công đồng đội, Washington Post cho biết.
Đội mũ bay màu xám với các ngôi sao màu đỏ ở mỗi bên tượng trưng cho đối phương, Monaco trông giống như một kẻ thù nước ngoài đang rình rập các mục tiêu ở Mỹ. Phi công Monaco là chỉ huy phi đội số 18, Không quân Mỹ. Ông dẫn đầu đội hình quân xanh để giúp các đồng đội trong vai trò quân đỏ huấn luyện các kịch bản chiến đấu trong tương lai.
Khu vực huấn luyện diễn ra trên vùng trời tại căn cứ huấn luyện liên hợp Thái Bình Dương ở Alaska, một cơ sở với không phận rộng tới gần 200.000 km2, xấp xỉ kích thước bang Nebraska. Trong nhiều thập kỷ, cơ sở này được sử dụng để chuẩn bị cho các nhiệm vụ trong thế giới thực.
Các phi công trước khi bay huấn luyện đều được căn dặn cẩn thận với gấu và nai nếu máy bay gặp sự cố và họ phải nhảy dù ra ngoài.
Tập trung vào Nga và Trung Quốc
Khu vực huấn luyện này và trụ sở của nó tại căn cứ không quân Eielson đang ngày càng trở nên quan trọng, khi Lầu Năm Góc cố gắng xoay vòng để đối phó Nga và Trung Quốc, sau nhiều năm tập trung cho cuộc chiến chống khủng bố trên mặt đất.
Hai trong số 54 tiêm kích tàng hình F-35 đã đến căn cứ Eielson vào tháng 4, đại tá Benjamin Bishop, người giám sát căn cứ cho biết. Lầu Năm Góc đang vật lộn với nhiều chuẩn bị để đối phó với máy bay chiến đấu J-20 mới của Trung Quốc và Su-57 của Nga.
Ngoài mỗi chiếc F-35 trị giá 80 triệu USD, Lầu Năm Góc sẽ chi khoảng 500 triệu USD để xây dựng hàng chục nhà chứa máy bay mới, nâng cấp hệ thống mô phỏng tên lửa đất đối không hiện đại được thiết kế để thách thức các phi công trong quá trình huấn luyện.
Những thay đổi này đánh dấu một cam kết mới, biến căn cứ không quân ở khu vực xa xôi ở Alaska thành trung tâm lớn trong việc chuẩn bị cho các phi công đối phó với không chiến trong tương lai.
Căn cứ ở Alaska trở nên lỗi thời trong nhiều năm, khi Lầu Năm Góc tập trung cho cuộc chiến tốn kém ở Trung Đông và Afghanistan. Một báo cáo tổng quát của thanh tra Bộ Quốc phòng năm ngoái cho biết các thiết bị mô phỏng được đưa vào sử dụng hàng thập kỷ trước không còn hiệu quả để thách thức các tiêm kích thế hệ mới như F-22 và F-35.
Việc nâng cấp cơ sở phụ thuộc vào nguồn tài chính trong những năm tới, nhưng vẫn chưa chắc chắn và có thể phức tạp nếu cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra buộc Lầu Năm Góc phải giảm chi tiêu.
Không quân Mỹ dự định tăng cường 2 phi đội máy bay chiến đấu mới đến căn cứ và tăng gấp đôi số lượng phi công từ 1.750 người lên 3.200 người. Các máy bay chiến đấu thế hệ 5 được chuyển đến căn cứ sẽ có thể làm nhiệm vụ ở Đông Âu, bán đảo Triều Tiên và các điểm nóng tiềm năng khác trên toàn cầu.
Cảm giác thời Chiến tranh Lạnh
Quá trình huấn luyện không chiến mô phỏng đem lại cảm giác thời Chiến tranh Lạnh. Tòa nhà trụ sở của quân xanh được thiết kế giống thời Liên Xô. Trong cuộc họp giao ban trước khi làm nhiệm vụ Robert “Claw” Carden mở đầu bằng câu nói “chào các đồng chí”. Cuộc họp kết thúc bằng quốc ca Liên Xô.
Thiếu tá Monaco cho biết mọi thứ bên trong đều giống một trung tâm chỉ huy của Liên Xô nhắc nhở các thành viên trong phi đội về nhiệm vụ. “Đối với nhiệm vụ 3 năm, đây là những gì chúng tôi làm. Biết về mối đe dọa, dạy về nó và biết cách tái tạo mối đe dọa”, thiếu tá Monaco nói trong phòng chờ của phi đội, được gọi là MiG Alley, gồm các tài liệu tham khảo về công ty sản xuất máy bay chiến đấu của Nga.
Trong kịch bản huấn luyện, chiếc F-16D của thiếu tá Monaco được gọi là Ivan 3 trong cuộc tập trận không chiến mô phỏng Red Flag vào năm ngoái. Các phi công F-16 từ căn cứ không quân Misawa ở Nhật Bản và Osan ở Hàn Quốc đã tham gia khóa huấn luyện.
Nhóm quân xanh do thiếu tá Monaco chỉ huy tìm cách vượt qua các tiêm kích của quân đỏ xuất kích để ngăn chặn cuộc tấn công, sau đó ném bom mô phỏng vào các trận địa tên lửa phòng không trên dãy núi Denali phủ đầy tuyết. Tuy vậy, nhóm quân xanh nhanh chóng bị bắn hạ.
Phóng viên Washington Post được yêu cầu không công bố những hướng dẫn cụ thể hoặc ngôn ngữ mà trung tâm điều khiển mặt đất sử dụng để liên lạc với phi công, nhằm đảm bảo tính bí mật thông tin.
Cuộc tập trận Red Flag được tổ chức 3-4 lần mỗi năm và kéo dài trong 10 ngày. 2 đợt tập trận đầu tiên của năm 2020 dự kiến tổ chức vào tháng 5 và tháng 6 đã bị hủy do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Chuẩn bị cho tương lai
Ẩn giấu trong nền tảng của khóa huấn luyện là một cuộc thảo luận mạnh mẽ về tương lai của không quân ở bang thứ 49 của nước Mỹ. Các tướng lĩnh không quân từ lâu đã mô tả cuộc tập trận Red Flag tại căn cứ Eielson ở Alaska và Nellis ở Nevada là sự bổ sung cho nhau.
Trong khi căn cứ Eielson cung cấp nhiều không phận hơn, còn căn cứ Nellis gần các căn cứ khác của Mỹ và có nhiều công nghệ để thách thức các phi công. Nhưng khi F-35 trở thành vũ khí chính trên bầu trời, không quân đang cố gắng nâng cấp công nghệ tại căn cứ ở Alaska, để giúp các phi công huấn luyện tốt hơn.
Một trung tâm mô phỏng tên lửa không đối không mới trị giá khoảng 87 triệu USD dự kiến được hoàn thành trong 12-18 tháng tới, trung tá John Anderson, giám sát huấn luyện tại căn cứ cho biết.
Không quân cũng đang cân nhắc sử dụng kết hợp F-35 và F-16 trong vai trò quân xanh, tuy nhiên điều này có thể vấp phải sự phản đối của các nhà lập pháp. Một điều khoản trong đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2020 cấm không quân sử dụng F-35 làm quân xanh, cho đến khi không quân cung cấp được kế hoạch chi tiết về sự khác biệt và lợi ích của việc hiện đại hóa phi đội quân xanh.
Đại tá Allen Herritage, phát ngôn viên Không quân Mỹ nói rằng họ đang xem xét cách thức cung cấp cho hoạt động huấn luyện không chiến của phi công. Các máy bay chiến đấu thế hệ 5 đóng vai trò quân xanh sẽ khiến kịch bản huấn luyện trở nên thực tế hơn.
Thượng nghị sĩ Dan Sullivan, thành viên đảng Cộng hòa ở bang Alaska, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng khi quân đội Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc đưa vào sử dụng tiêm kích tàng hình F-35, việc nâng cấp phi đội quân xanh ở Alaska cũng rất hợp lý.
Thượng nghị sĩ Sullivan cho biết một phần trong công việc của ông là nói cho các quan chức và tướng lĩnh quân đội biết về giá trị của căn cứ Eielson ở Alaska. Các căn cứ khác ở Mỹ tuy có nhiều công nghệ mới để thách thức các phi công, nhưng không phận ở đó ngày càng hạn chế.
Alaska chính là nơi lý tưởng để vừa có được không phận bao la cho phi công huấn luyện vừa có những công nghệ mới để giúp các phi công đến gần với chiến trường thực tế hơn.