Ném bom xăng đoàn cưỡng chế ở Quảng Ninh: Án nào cho 6 'đầu sỏ'?
Trong vụ đoàn cưỡng chế bị ném bom xăng ở Vân Đồn, cơ quan công an đang tạm giữ hình sự đối với 6 người giữ vai trò cầm đầu, trực tiếp chống đối. Dư luận đặt câu hỏi, 6 đối tượng 'đầu sỏ' này sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Vụ việc ném bom xăng vào đoàn cưỡng chế xảy ra tại cảng Vạn Hoa (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) khiến 6 cán bộ bị thương khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Sáng 14/11, đoàn cưỡng chế huyện Vân Đồn tiến hành cưỡng chế, di dời 7 hộ dân đang nuôi trồng thủy sản trái phép trong khu vực Cảng Vạn Hoa (vốn là khu vực đất Quốc phòng).
Năm 2003 các hộ dân được lực lượng quân đội cho vào neo đậu nhưng sau đó chây ỳ ở lại và nuôi trồng thủy sản trái phép trên vùng nước thuộc khu cảng này. Dù Cảng vụ Vạn Hoa yêu cầu các hộ dân di dời bè khỏi khu vực cảng và huyện Vân Đồn nhiều lần vận động nhưng người dân không chấp hành.
Tuy nhiên, khi đoàn cưỡng chế tiếp cận nhà bè hộ dân Nguyễn Văn Tiến để công bố quyết định cưỡng chế thì bị một số đối tượng trong gia đình, thân nhân của 7 hộ dân trên tập trung phản kháng.
Các đối tượng đã cản trở cưỡng chế như ném bát, đĩa, chai, lọ có chứa xăng quấn giấy vệ sinh đã châm lửa về phía lực lượng chức năng làm 6 cán bộ bị thương nhẹ (chủ yếu bị bỏng nhẹ do lửa xăng văng vào tay, chân, không có trường hợp nào phải đi cấp cứu tại bệnh viện).
Lực lượng chức năng sau đó đã đưa 19 trường hợp về trụ sở Công an huyện để xác minh, lập hồ sơ xử lý. Căn cứ hành vi, mức độ vi phạm của từng cá nhân và tính chất, hậu quả của vụ việc, sau khi phân loại với Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vân Đồn đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 6 người giữ vai trò cầm đầu, trực tiếp chống đối.
Dư luận đặt câu hỏi, với hành vi như trên, 6 đối tượng cầm đầu sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, việc các lực lượng chức năng tiến hành công bố quyết định cưỡng chế cũng như thực hiện các công việc để thi hành quyết dịnh cưỡng chế là hoạt động thực thi công vụ được giao.
Do vậy, việc các đối tượng là thân nhân và cá nhân thuộc 7 hộ gia đình có những hành vi tập trung phản kháng, cản trở việc cưỡng chế là hành vi chống người thi hành công vụ.
“Hành vi này có dấu hiệu của tội phạm thì cần tiến hành xác minh làm rõ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng liên quan. Bởi thực tế những đối tượng này đã có những hành vi dùng vũ lực để chống lại người thi hành công vụ.
Minh chứng cụ thể, các đối tượng có những hành vi mang tính chất gây nguy hiểm cho xã hội như: ném bát, đĩa, chai, lọ có chứa xăng quấn giấy vệ sinh đã châm lửa về phía lực lượng chức năng làm 6 cán bộ bị thương nhẹ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Luật sư Hoàng Tùng dẫn Điều 330, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rõ: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Đồng thời Luật sư Tùng cho rằng, trong vụ việc có nhiều đối tượng cùng thực hiện hành vi trái pháp luật, tình thế hỗn loạn, cơ quan điều tra cần tiến hành sàng lọc đối tượng nào không khởi tố về hình sự. Tuy nhiên những đối tượng này có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a) Khoản 3 Điều 20 Nghị đinh 67/2013/NĐ-CP phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.
Theo luật sư Hoàng Tùng, cần điều tra xem các đối tượng thực hiện hành vi có tổ chức, kế hoạch cụ thể từ trước hay chỉ là đồng phạm đơn thuần? Có sự xúi giục lôi kéo người khác thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ không? Bởi lẽ nếu có những hành vi và tình tiết trên vừa nêu sẽ là hành vi phạm tội thuộc khoản 2 Điều 330 BLHS với mức phạt tù từ 2 đến 7 năm.
“Việc các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến hậu quả là 6 cán bộ bị thương nhẹ. Các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả này bằng trách nhiệm dân sự đối với các cán bộ bị thương tích theo quy định của pháp luật dân sự: Điều 590 BLDS năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại khi xâm phạm sức khỏe người khác”, Luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Mời độc giả xem clip đối tượng quá khích ném bom xăng vào đoàn cưỡng chế tại Vân Đồn, Quảng Ninh: