Ném vỡ điện thoại khi phát hiện con xem phim sex
Khi phát hiện con trẻ tìm kiếm và xem các nội dung xấu trên mạng xã hội hay Internet, nhiều bậc phụ huynh bối rối và khiến con dễ tổn thương vì cách xử lý chưa phù hợp.
Tháng 9/2021, cậu con trai học lớp 7 của chị Ngọc Thu (38 tuổi, TP Thủ Đức) phải học online tại nhà vì dịch bệnh. Cậu bé 13 tuổi được bố mẹ cấp cho một chiếc laptop và điện thoại để phục vụ học tập và trao đổi bài vở.
Tuy nhiên, một lần phát hiện con trai xem nội dung xấu trên Internet, chồng chị Thu trong cơn giận đã ném vỡ điện thoại của cậu bé. Người phụ nữ này cho biết con chị sau đó bị cấm túc không được sử dụng điện thoại, laptop cũng chỉ dùng khi học.
“Lúc biết con phải học online tôi cũng có nhiều lo lắng nhưng chủ yếu là sợ con học không hiểu bài và chơi game nhiều chứ không lường được các vấn đề khác. Hai vợ chồng lúc phát hiện sự việc cũng khá sốc nên xử lý chắc là còn chưa ổn, chỉ lo con nó sợ hãi thì mọi việc sau này nó sẽ giấu ba mẹ luôn”, chị Thu nói.
Việc các bậc phụ huynh bối rối hay không biết cách xử lý tình huống khi con tìm xem các nội dung không lành mạnh phần nào gây ảnh hưởng đến cả tâm lý của trẻ và bố mẹ.
Bố mẹ bối rối khi nói về những chuyện “nhạy cảm”
Sau sự việc xử lý có phần cực đoan, chị Thu cho biết không khí gia đình có phần trầm lặng hơn. Chị và chồng phải tìm đến sự giúp đỡ và hỏi thêm ý kiến của một số người bạn đã có kinh nghiệm để tìm được cách giải quyết.
Chị Thu không muốn con trai sẽ trở nên khép kín và từ chối chia sẻ với bố mẹ hoặc trở nên ngoan ngoãn ở nhà nhưng lại nổi loạn khi đến trường lớp.
“Có con ở tuổi này áp lực lắm, lúc nhỏ thì nó vô tư, lúc nào cũng chỉ có bố mẹ, người lớn nói là biết nghe. Bây giờ thì khác, tụi nó đi học, có lúc thời gian gặp bè bạn còn nhiều hơn là ở với gia đình, thế nên tôi rất băn khoăn phải dạy con sao cho đúng cách”, chị Thu tâm sự.
Chị Thu cũng bày tỏ thêm, vì con là con trai, việc chia sẻ những vấn đề nếu là từ bố sẽ dễ dàng cho con hơn là mẹ, vì cậu bé sẽ không bị xấu hổ. Bản thân chị Thu sau sự việc cũng đã hỏi han giáo viên chủ nhiệm về cách trao đổi với con cũng như giáo dục giới tính cho trẻ ở thời điểm này.
Gia đình chị Thu không phải là các bậc bố mẹ duy nhất bối rối về cách xử lý những tình huống có phần “nhạy cảm” khi con tìm xem hoặc theo dõi các thông tin thiếu lành mạnh, ảnh hưởng từ mạng xã hội.
Chị B.L. (34 tuổi, quận 5) cũng chia sẻ câu chuyện tình cờ phát hiện con tìm kiếm các nội dung “đặc biệt” trên Internet. Xử lý tình huống này, chị L. cũng chỉ tìm cách hạn chế việc con sử dụng điện thoại, máy tính và cả TV có kết nối mạng. Ngoài ra, chị chưa có phương pháp hợp lý hơn khi phải đối mặt với các tình huống trên.
“Xử lý việc này như nào hả các bố mẹ ơi, con em chỉ mới lớp 5 thôi đã tò mò và tìm xem nhiều thứ trên YouTube rồi, mình thì không thể nào kiểm soát được hết. Nói chuyện với cháu thì em sợ mình hướng dẫn sai cách ạ”, đây là câu hỏi mà chị L. chia sẻ trên một diễn đàn dành cho các bậc phụ huynh.
Hồi đáp câu hỏi của L., có hơn 50 bình luận vừa đồng cảm vừa chia sẻ nhiều nỗi niềm trong việc dạy dỗ con cái. Không ít bà mẹ bày tỏ, việc giao tiếp với con cái ở tuổi bắt đầu cho đến hết dậy thì là việc khó khăn, tâm lý của trẻ cũng có nhiều khác biệt so với thế hệ bố mẹ thời trước nên việc trò chuyện sẽ dễ gây ra những hiểu lầm, làm trẻ xa cách hơn.
Việc hướng dẫn con cái cần sự kiên nhẫn
Là một bà mẹ có con trong độ tuổi cấp 1, chị Ngọc Nữ (33 tuổi, quận 4) thường xuyên giáo dục giới tính cho con, từ việc phải bảo vệ bản thân thế nào, đến việc tôn trọng người khác giới...
Chị cho biết trước đây thế hệ của chị phải học về giáo dục tính qua mạng, trên Internet... nên có rất nhiều bỡ ngỡ, cũng có nhiều điểm sai lầm. Chị muốn con mình phải lớn lên với đầy đủ thông tin nhất có thể, để bé có thể bảo vệ được bản thân mình, đồng thời không bị sự tò mò, hiếu kỳ kích thích.
“Từ lúc đẻ con tôi xác định là phải dạy cho nó biết từng thứ một, để có thể sống tốt trong lúc thừa mứa thông tin thế này. Tôi là bộ lọc đầu tiên cho con mình, hướng dẫn nó cho nó đi đúng đường”, chị Nữ nói.
Bà mẹ một con cũng chia sẻ, việc để con tiếp xúc quá nhiều với điện thoại, máy tính là điều mà chị không mong muốn. Tuy nhiên, chị không quá cấm đoán con cái mà sẽ có quy định, giờ giấc rõ ràng. Song, có những khi con hỏi về những chủ đề khá “khó nói” chị cũng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
“Trẻ con mà, nó hỏi thì cứ hỏi dồn dập, có lúc không thể nghĩ ra được câu trả lời thì tôi phải hẹn lại chính xác khi nào giải đáp cho nó mới thôi. Nghe thì dễ chứ làm được chuyện này khó khăn lắm”, chị Nữ nói thêm.
Trong khi đó, chị Thảo Ly (26 tuổi, quận Phú Nhuận) là con lớn, sau chị còn hai em đang ở tuổi dậy thì, chị phải san sẻ với bố mẹ việc dạy dỗ, hướng dẫn các em.
Chị Ly cho hay khoảng cách thế hệ giữa em mình và bố mẹ khá lớn, chị phải là cầu nối cho cả hai. Chưa kể, chị Ly cũng khuyến khích bố mẹ không nên cấm đoán em mình vì điều này sẽ tạo thành tâm lý phản kháng của những đứa trẻ.
“Chuyện xem mấy cái nội dung không lành mạnh tôi nghĩ đứa nào cũng tò mò. Tôi không muốn cấm đoán em mình mà tìm cách trò chuyện, chia sẻ để nó mỗi khi cần thắc mắc, hay có điều gì muốn bày tỏ, cũng có chị gái, người có khoảng cách thế hệ gần hơn”, chị Ly nói.
Trao đổi về những ảnh hưởng đến con trẻ khi học online quá lâu, cô Đỗ Trang, giáo viên tâm lý học đường tại Hà Nội cho biết độ tuổi tìm kiếm và xem sex cũng như các nội dung thiếu lành mạnh đang nhỏ dần.
“Trước đây, thường trẻ ở độ tuổi cấp 2 mới bắt đầu tò mò nhiều về những thông tin ‘nhạy cảm’, tuy nhiên vì thời gian gần đây, việc online trở nên phổ biến, nên có rất nhiều trường hợp trẻ cấp 1 thậm chí lớp 2, lớp 3 đã bắt đầu xem sex. Điều này có thể bắt nguồn từ các đường link mà các em vô tình thấy trên Internet”, cô Trang cho hay.
Điều này có thể phần nào dẫn đến việc trẻ bị kích thích quá sớm về các nhu cầu bản năng, có thể gây ảnh hưởng tâm sinh lý hoặc bị lạm dụng từ nhỏ.
Cô Trang chia sẻ việc học online nhiều mà thiếu đi sự tương tác, hạn chế các kết nối ngoài đời thực có thể phần nào khiến trẻ dễ dàng tìm đến các kết nối ảo, các cảm xúc vay mượn trên mạng xã hội để lấp vào những cảm xúc đang bị thiếu hụt.
Để hạn chế tình trạng này, nhà trường nên có các chương trình phòng ngừa, hướng dẫn cũng như có các kênh học sinh có thể chia sẻ, tâm sự nhiều điều khó nói. Đồng thời, việc phối hợp với bố mẹ cũng diễn ra liên tục nhằm đảm bảo theo sát con, đoán trước được các tình huống có thể xảy ra để có cách xử lý phù hợp.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nem-vo-dien-thoai-khi-phat-hien-con-xem-phim-sex-post1302510.html