Nén bạc thời nay
Từ điển Tiếng Việt giải thích hối lộ là: 'Lén lút đưa tiền của để nhờ kẻ có quyền làm điều trái với pháp luật nhưng có lợi cho mình'. Hiện tượng hối lộ đang có xu hướng xảy ra nhiều nơi, đặc biệt là những nơi thiếu sự minh bạch, đồng thời hối lộ cũng hủy hoại đạo đức và trách nhiệm của những người thực thi công vụ, làm giảm lòng tin của công chúng vào hoạt động công vụ...
Dưới góc độ khoa học luật hình sự ở nước ta, khái niệm hối lộ được hiểu bao gồm 3 loại hành vi phạm tội tương ứng với 3 tội danh hối lộ là: Tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ.
Trong số những tội phạm về tham nhũng thì tội nhận hối lộ là một trong những loại tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, tác động tâm lý tiêu cực tới đời sống xã hội. Việt Nam coi hối lộ là vấn nạn nghiêm trọng cần phải chủ động phòng ngừa và trừng trị bằng các biện pháp mạnh mẽ. Việc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó việc xử lý tội nhận hối lộ là điển hình.
Tội nhận hối lộ được Nhà nước ta quy định từ rất sớm. Tại Điều 1, Sắc lệnh số 223-SL ngày 17/11/1946 quy định: Công chức nhận hối lộ bị phạt tù từ 5 năm đến 20 năm và phạt bạc gấp đôi tang vật hối lộ. Tang vật hối lộ bị tịch thu sung công, người phạm tội còn có thể bị tịch thu nhiều nhất là đến ba phần tư gia sản. Năm 1985, Bộ luật Hình sự (BLHS) đầu tiên của nước ta được ban hành, trong đó tội nhận hối lộ tại khoản 1, Điều 226 quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm một việc thuộc trách nhiệm của mình hoặc không làm một việc phải làm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm... Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”.
Như vậy, theo quy định BLHS năm 1985, hành vi nhận hối lộ không nêu số tiền hay giá trị vật chất tối thiểu để chịu trách nhiệm hình sự là bao nhiêu, chỉ cần “đã nhận hoặc sẽ nhận tiền của hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào” để “làm một việc thuộc trách nhiệm của mình hoặc không làm một việc phải làm”. Có thể cách hiểu của những nhà làm luật khi đó là khó định lượng cụ thể một tài sản ở mức nào thì nghiêm trọng, mức nào là ít nghiêm trọng bởi trong những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, việc nhận hối lộ một cái áo, yến gạo hay lít dầu cũng không thể coi là ít nghiêm trọng trong nhiều bối cảnh. Tại khoản tăng nặng, đặc điểm chung trong quy định cấu thành tội phạm của BLHS năm 1985 là không cụ thể hóa số tiền bao nhiêu thì được coi là nghiêm trọng, bao nhiêu thì đặc biệt nghiêm trọng. Cho dù giai đoạn này có các văn bản dưới luật hướng dẫn nhưng việc luật chỉ định khung mà thiếu tính cụ thể dẫn tới khó khăn trong áp dụng.
Từ đó tới nay, qua nhiều lần sửa đổi, định lượng hành vi nhận hối lộ đã điều chỉnh cụ thể và tăng dần cùng sự phát triển của nền kinh tế. Trong lần sửa đổi năm 1997, BLHS đã ấn định mức khởi điểm tiền hoặc giá trị vật chất để truy cứu trách nhiệm hình sự tội nhận hối lộ là 500 nghìn đồng hoặc dưới 500 nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm. Đặc biệt, nếu nhận hối lộ giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thì khung hình phạt rất nặng: Chung thân hoặc tử hình. 2 năm sau, khi xây dựng BLHS năm 1999, mức tiền, vật chất nhận hối lộ của khung hình phạt cao nhất đã nới lên 300 triệu đồng. Đồng thời, khoản 4, Điều 279 cũng nới rộng thêm “phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình” thay cho chỉ chung thân và tử hình như lần sửa đổi năm 1997.
Đến nay, BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 đã quy định cụ thể, chi tiết tội đưa hối lộ, tương ứng với các khung hình phạt. Người có chức vụ theo Điều 277 BLHS “là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”. Hành vi phải có sự thỏa thuận trước (trực tiếp hoặc qua trung gian) giữa người đưa hối lộ và người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Người có chức vụ, quyền hạn đã đồng ý nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất đó mà không phụ thuộc vào việc trên thực tế đã có việc giao nhận hay chưa. Hình thức của hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (vàng bạc, nhà đất...). Như vậy, trong khi Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên hợp quốc xác định hối lộ bao gồm lợi ích vật chất và phi vật chất thì quy định pháp luật của nước ta mới chỉ dừng lại ở đối tượng hối lộ là vật chất.
Để cấu thành tội phạm, theo quy định BLHS hiện hành, giá trị lợi ích vật chất dùng để hối lộ tối thiểu phải là 2 triệu đồng (trường hợp dưới 2 triệu đồng thì phải có thêm một trong những điều kiện như: Gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm...). Khung hình phạt cao nhất quy định tại khoản 4, Điều 354 là phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên.
Quy định là như vậy, tuy nhiên thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, với mức định lượng nhận hối lộ 1 tỷ đồng, tòa rất khó tuyên trong khung hình phạt cao nhất là tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Như trong phiên tòa “Chuyến bay giải cứu”, hầu hết các bị cáo đều nhận hối lộ cao hơn con số 1 tỷ đồng, nếu áp dụng theo khung điều luật này thì các bị cáo đều phải nhận thấp nhất 20 năm tù, cao nhất tử hình. Nhận hối lộ mức cao nhất là bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) với 253 lần, tổng số tiền 42,6 tỷ đồng. Trong phần luận tội, VKS đánh giá bị cáo Kiên nhận hối lộ với “thủ đoạn trắng trợn nhất”, VKS đề nghị tử hình, tòa tuyên phạt tù chung thân. Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan với cáo buộc nhận hối lộ tới 25 tỷ đồng, án phạt chung thân. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng được xác định nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, án phạt 16 năm tù. Trong khi những bị cáo nhận hối lộ mức 2-3 tỷ đồng như cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ nhận án phạt 3 năm tù; bị cáo Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản án 4 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 2 tỷ đồng...
Đặt trong tương quan vụ án, xét tính chất, mức độ phạm tội thì các bị cáo nhận mức án tương ứng nói trên là phù hợp. Tuy nhiên, đối chiếu khung hình phạt thì lại khá lệnh khi “mức cứng” tối thiểu 20 năm tù đến chung thân, tử hình cho hành vi nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên. Vấn đề đặt ra là trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay, việc định khung nhận hối lộ 1 tỷ đồng có thể bị tử hình có còn phù hợp? Thực tế, những vụ án lớn bị truy tố gần đây, các quan chức cỡ cấp cục, cấp bộ, cấp phòng, thư ký... thì số tiền nhận hối lộ đã tính bằng hàng triệu đô la hay hàng chục tỷ đồng trở lên. Như cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thành Long, trong kết luận điều tra mới đây xác định, ông Long nhận hối lộ lên đến 2,25 triệu đô la. Còn con số một tới vài tỷ đồng, trên dưới 10 tỷ đồng là khá nhiều và nếu cứ áp dụng theo quy định điều luật thì mức án chung thân, tử hình sẽ rất cao.
1 tỷ đồng hiện có lớn không? Năm 1997, BLHS từng quy định nhận hối lộ 50 triệu đồng là có thể bị tử hình, sau đó nâng lên mức 300 triệu, rồi 500 triệu. Trong đời sống xã hội bây giờ ở cấp thôn, cấp xã, nhiều cán bộ cũng đã tham ô, nhận hối lộ tiền tỷ với một sự thản nhiên, không cho rằng đó là to tát. Có bị cáo trình bày trước tòa rằng, để vừa lòng cấp trên, họ bị đòi “gửi quà ăn sáng mấy đồng”, mà mỗi “đồng” ăn sáng ở đây được hiểu là 1 tỷ. Việc đưa, nhận hối lộ khó kiểm soát nhất hiện nay là trong thực hiện các dự án, quy mô càng lớn, phức tạp thì những “luật ngầm” càng khủng, càng tinh vi.
Có người nói, làm quan chức cấp tỉnh, cấp bộ, nếu nhận quà chỉ mấy tỷ mà đi tù thì “lãng xẹt” quá (!?). Về luật pháp, không thể tư duy như vậy để bao biện hành vi tham nhũng, song qua cách nói đó cho thấy, đã và đang hình thành một tư duy, một “lệ làng” về việc quan chức nhận quà, nhận hối lộ theo thang bậc, quyền hạn và được hiểu ngầm cấp đó thì “quà sáng” cũng phải mức nào! Khi xây dựng BLHS, các nhà làm luật muốn lấy ở mức bình quân của đời sống, nghĩa là chẳng phải cứ đô thị, ở quan chức lớn mà ngay tại miền núi, vùng khó khăn để đặt ra một con số chung định khung hình phạt. Tuy nhiên, từ thực tiễn xét xử cho thấy, quy định của luật đang lạc hậu khá nhiều và chắc hẳn, những lần sửa đổi sau, định khung này phải nâng lên đáng kể.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nen-bac-thoi-nay-i706683/