Nên bỏ quy định tạm giữ xe khi vi phạm giao thông lỗi nhẹ?

Đề xuất về sửa đổi quy định tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam có đề xuất về sửa đổi quy định tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm.

Bỏ tạm giữ phương tiện khi vi phạm lỗi nhẹ

Theo nội dung Thông báo số 71/TB-VPCP ngày 28-2-2024 của Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam giải thích về đề xuất: Hiện nay cả nước có hàng triệu phương tiện giao thông (ô tô, mô tô, xe gắn máy) bị tạm giữ do người điều khiển vi phạm. Thống kê giai đoạn 2013-2019, đã có hơn 4,3 triệu xe ôtô, gắn máy bị tạm giữ. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2023, công an đã giữ 528.461 phương tiện các loại.

 Lô xe vi phạm được chất đống tại một xã của huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: THY NHUNG

Lô xe vi phạm được chất đống tại một xã của huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: THY NHUNG

“Điều này dẫn đến tình trạng quá tải tại các cơ sở tạm giữ xe thuộc quản lý của lực lượng CSGT”- Hiệp hội này dẫn chứng.

Hiệp hội cũng nêu ra tại các thành phố lớn, quỹ đất hạn chế, các bãi tạm giữ xe liên tục quá tải. Nhiều bãi tạm giữ phương tiện vi phạm không đảm bảo điều kiện về an ninh trật tự, an toàn PCCC, phương tiện bị hư hỏng do mưa nắng. Thậm chí tại một số bãi tạm giữ xe vi phạm đã xảy ra tình trạng cháy nổ, gây thiệt hại lớn về tài sản. Việc đầu tư, duy trì các cơ sở tạm giữ xe vi phạm cũng gây tốn kém ngân sách...

Theo Hiệp hội này từ năm 2023, sau khi lực lượng CSGT triển khai đo nồng độ cồn, số phương tiện vi phạm tăng đột biến, gây áp lực nặng nề đối với các kho, bãi tạm giữ xe. Một số trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phạt tiền lớn, nhiều hơn giá trị của xe nên nhiều người đã bỏ xe, dẫn đến các phương tiện vi phạm bị đưa vào kho tạm giữ ngày càng tăng. Bên cạnh đó, thủ tục để bán đấu giá các loại tài sản vi phạm rất phức tạp, cần nhiều thời gian nên hầu như các kho, bãi tạm giữ xe chỉ tăng chứ không giảm về số lượng.

“Do đó, trừ các phương tiện là tang vật trong các vụ án hình sự hoặc các trường hợp người vi phạm lỗi nặng, nên nghiên cứu sửa đổi bỏ tạm giữ phương tiện trong một số trường hợp lỗi nhẹ. Có thể tăng tiền phạt thay cho việc tạm giữ phương tiện”- Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam kiến nghị.

Hiệp hội này cũng phân tích thêm, người vi phạm đã bị tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) nên bị tước quyền điều khiển phương tiện giao thông nên việc tạm giữ phương tiện không thực sự cần thiết. Qua đó, hạn chế số lượng xe bị tạm giữ, giảm bớt áp lực cho cơ quan quản lý, tiết kiệm quỹ đất, ngân sách nhà nước…

Ý kiến trái chiều?

Trao đổi với PLO, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ thuật TP.HCM đồng tình với đề xuất. Ông cho rằng xe cộ là tài sản cá nhân, không liên quan đến việc xử phạt hành chính và ý thức người lái xe, phạt người vi phạm chứ không nhất thiết phải phạt chiếc xe.

“Một số người dân có mỗi chiếc xe là phương tiện để họ đi làm, nếu bị giữ xe thì không còn phương tiện để đi làm kiếm tiền. Hơn nữa các nước trên thế giới cũng không “giam” xe như ở Việt Nam, chỉ tạm giữ phương tiện khi tai nạn nặng xảy ra, còn mình có nhiều lỗi “sơ sơ” cũng giam xe, phiền phức cho người dân”- ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, vi phạm giao thông đã có mức tiền phạt và tước GPLX theo quy định. Hơn nữa, trong bãi xe có phát sinh các vấn đề như ngâm ngoài mưa nắng làm hỏng dây điện, chuột cắn nên dễ sinh ra cháy nổ. Vì thế hiện nay nhiều người bị tạm giữ xe sau không quay lại nhận xe, gây tốn kém xã hội.

 Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất bỏ tạm giữ phương tiện đối với lỗi vi phạm giao thông nhẹ. Ảnh: THY NHUNG

Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất bỏ tạm giữ phương tiện đối với lỗi vi phạm giao thông nhẹ. Ảnh: THY NHUNG

Luật sư (LS) Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, mục đích của đề xuất này là tốt tuy nhiên cần hiểu rõ bản chất của việc tạm giữ phương tiện.

“Hiện nay luật chưa có quy định trường hợp nào là lỗi nặng, trường hợp nào là lỗi nhẹ. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền phải nghiên cứu, phân loại rõ ràng, hợp lý về mức độ các lỗi vi phạm thì phương án này mới khả thi”- LS Mạch cho hay.

Cũng theo LS Mạch, tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định việc tạm giữ phương tiện được áp dụng trong các trường hợp trong đó có việc tạm giữ phương tiện là cần thiết để xác định tình tiết vi phạm hành chính và ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng.

“Có trường hợp tạm giữ phương tiện được áp dụng khi cá nhân, tổ chức vi phạm không có GPLX và việc tạm giữ này nhằm đảm bảo cho việc thi hành quyết định xử phạt. Thời gian tạm giữ là cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Bất cập xảy ra khi cá nhân, tổ chức không thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không tiến hành nhận lại phương tiện đang bị tạm giữ”- LS Mạch phân tích.

Nhiều người bỏ xe vì mức phạt cao

LS Võ Đan Mạch cho rằng việc tăng tiền xử phạt lên, đồng thời không tạm giữ phương tiện đối với trường hợp này chưa giải quyết triệt để được vấn đề, bởi lẽ:

Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền đã và đang thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 13 Nghị định 166/2013. Cụ thể, trường hợp cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả, không thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam, thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản.

Tuy nhiên, biện pháp trên vẫn chưa hiệu quả, điển hình là nhiều người vẫn không đóng phạt và bỏ xe. Giả sử tăng tiền phạt nhưng không tạm giữ xe, đồng thời chưa thể cưỡng chế thu tiền phạt hiệu quả thì không thể đảm bảo được cho công tác xử phạt vi phạm hành chính.

Do đó, việc tạm giữ phương tiện là cần thiết để bảo đảm việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp bỏ quy định tạm giữ phương tiện, cần phải có biện pháp/tài sản bảo đảm khác phù hợp hơn, hoặc siết chặt công tác cưỡng chế thì mới giải quyết triệt để được vấn đề, chứ không phải chỉ tăng tiền phạt.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nen-bo-quy-dinh-tam-giu-xe-khi-vi-pham-giao-thong-loi-nhe-post780745.html