Nên có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp (startup) lựa chọn đăng ký kinh doanh, thành lập công ty ở nước ngoài bởi những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho startup tại Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn.
Về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Phạm Nam Long, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Abivin-startup cung cấp giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực: Sản xuất, phân phối, bán lẻ, logistics, vận tải container.
Phóng viên (PV): Ông đánh giá môi trường kinh doanh cho startup ở Việt Nam hiện nay đã đủ hấp dẫn chưa?
Ông Phạm Nam Long: 6 năm qua, môi trường hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển. Từ một khái niệm startup rất mới tại thời điểm năm 2015, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ đã lựa chọn rất đúng việc đón đầu một sân chơi cho thế hệ trẻ để phát triển công nghệ thông tin nhằm tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Môi trường để phát triển khởi nghiệp cần có 5 yếu tố: Thị trường sôi động với nhiều nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ; thị trường tập hợp các DN bao gồm lớn và nhỏ; môi trường có lực lượng dân số trẻ và sáng tạo; môi trường xã hội khuyến khích dám thử và chấp nhận thất bại; môi trường có những cơ chế khung pháp lý đồng bộ từ Nhà nước tới địa phương. Hiện nay, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã có đủ các yếu tố trên. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nên có những cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho các startup đã có những giải thưởng lớn, được hội đồng giám khảo quốc tế công nhận. Từ đó, khi đầu tư vào các startup này, Chính phủ cũng sẽ giảm được rủi ro và cho ra đời được những startup có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ trong một ngành mà còn trong cả nước và quốc tế.
PV: Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, cho phép hình thành quỹ đầu tư giúp DN khởi nghiệp. Tuy vậy, sau một thời gian thực hiện, quy định không được hình thành pháp nhân do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ, đầu tư không quá 50% vốn điều lệ... được nhiều startup đánh giá là cứng nhắc và không phù hợp. Quan điểm của ông về các quy định trên như thế nào?
Ông Phạm Nam Long: Từ năm 2018, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP có hiệu lực và được nhiều startup quan tâm. Tuy nhiên, các startup gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các quy định, nghị định của Chính phủ, mà không chỉ riêng đối với Nghị định số 38/2018/NĐ-CP. Điều này chứng tỏ, mặc dù các nghị định được ban hành với mục đích giúp đỡ, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp nhưng tính ứng dụng chưa cao. Để có thể hoàn thiện khung pháp lý cho các dự án đổi mới sáng tạo, chúng ta nên mời những chuyên gia có kinh nghiệm ươm mầm startup tại những đất nước tiên tiến để họ có thể tư vấn giúp Việt Nam áp dụng và hình thành các cơ chế phù hợp. Bên cạnh đó, việc thành lập các tổ tư vấn đặc biệt cho những quy định này cũng sẽ giúp các DN dễ dàng nắm bắt được những thông tin, giấy tờ cần thiết. Cuối cùng, chúng ta cần liên tục khảo sát, bám sát tình hình của các startup.
PV: Hiện nay có nhiều startup lựa chọn đăng ký kinh doanh, thành lập công ty ở nước ngoài. Nguyên nhân là vì đâu, thưa ông?
Ông Phạm Nam Long: Có nhiều lý do khiến startup lựa chọn thành lập ở nước ngoài để làm “bàn đạp” thâm nhập thị trường thế giới như: Thuận tiện trong thu hút vốn đầu tư từ các quỹ, thủ tục đơn giản, được hỗ trợ bởi chính sách khởi nghiệp nước đó... Hiện nay, những vòng gọi vốn sau là series A, series B, series C ở trong nước đang rất ít; tức là lúc đầu các startup gọi vốn “mồi” vài chục nghìn USD thì tương đối đơn giản, nhưng đến lúc huy động tới vòng series A (đến vài triệu USD), series B (vài chục triệu USD trở lên) thì rất khó. Vì thế, nhiều startup ra nước ngoài để tận dụng nguồn lực. Còn tại chính sân nhà, các startup liên tục gặp phải nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý. Các chính sách liên quan đến khởi nghiệp của Việt Nam đang ở mức rất mới. Để hoàn thiện khung pháp lý cũng như chính sách hỗ trợ, cần một khoảng thời gian nhất định. Hiện nay, công nghệ phát triển rất nhanh. Nếu chính sách chậm hơn thì cạnh tranh quốc gia chúng ta sẽ kém hơn các nước.
PV: Theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để ươm mầm các startup Việt?
Ông Phạm Nam Long: Các tập đoàn, đặc biệt là các tập đoàn lớn, có vai trò vô cùng quan trọng để tạo môi trường cho các startup. Không chỉ trở thành khách hàng, các tập đoàn cũng có thể trở thành mentor (người đồng hành, huấn luyện), cũng có thể là nhà đầu tư, cung cấp vốn cùng với các quỹ đầu tư. DN trong nước nên có hướng ưu tiên sử dụng các phần mềm trong nước với chi phí cho sản phẩm và dịch vụ hợp lý hơn. Hiện nay, nhiều phần mềm nước ngoài có giá cao hơn gấp 10-20 lần nhưng tính năng tương đương và chất lượng dịch vụ thấp hơn các phần mềm trong nước. Bên cạnh đó, các tập đoàn nhà nước đang có nguồn quỹ phát triển khoa học khởi nghiệp cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa cho môi trường khởi nghiệp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!