Nên duyên từ chuyến xe đò
Nhiều người bất ngờ khi tiếp xúc với kình ngư Võ Thanh Tùng vì thấy anh rất tự tin. Có bạn đồng nghiệp từng hỏi tôi: 'Sao một vận động viên (VĐV) khuyết tật lại có thể tự tin đến thế nhỉ?'.
Câu trả lời là không dễ. Cũng như tôi đã từng tự hỏi bản thân mình không ít lần, vì sao Nguyễn Trúc Phương, người con gái miền Tây khỏe mạnh, duyên dáng lại dũng cảm, kiên định đến thế, khi gửi gắm tương lai, cuộc đời mình vào Võ Thanh Tùng?
Một bận, tôi đến nhà Tùng chơi ở TP Cần Thơ mà không báo trước. Tôi bất ngờ khi thấy Tùng đang thay dầu xe máy vì trộm nghĩ, hai chân của Tùng vốn yếu, bị tật từ bé nên những việc như thay dầu xe, anh đưa xe cho thợ làm mới đúng. Nhưng ở nhà, việc gì Tùng cũng làm hết. Việc khó quá thì Tùng mới nhờ vợ hoặc ba mẹ giúp.
Cảm mến cái tài, cái đức của Tùng nên Trúc Phương càng quyết tâm nên duyên vợ chồng với kình ngư khuyết tật số 1 Việt Nam. Không nói về thành tích của Tùng trên đường đua xanh, vì đẳng cấp của Tùng đã được thể hiện ở Paralympic. Nhờ đạt nhiều thành tích, được thưởng tiền nên bao năm qua, Tùng đã tiết kiệm, mua được nhà, đất cho gia đình.
Thanh Tùng-Trúc Phương quen nhau trên một chuyến xe đò, thế rồi tự bao giờ, tình cảm trong hai người nảy nở. Biết Trúc Phương yêu mình thật lòng nhưng trong thâm tâm, Tùng suy nghĩ lắm. Cái ngày chưa có người yêu, ngồi bên dòng sông gần nhà, Tùng từng hỏi tôi: “Biết đến bao giờ em mới có người thương anh nhỉ?”.
Tùng thương bản thân, thương cha già vẫn phải rèn dao ngoài cồn, thương mẹ và chị gái bị bệnh... nên ở nhà, Tùng dù khuyết tật nhưng lại là lao động chủ lực, quán xuyến mọi chuyện. 7 năm trước, khi kết hôn với Trúc Phương, Tùng lo lắng nhiều chuyện lắm, và rồi, khi tổ ấm cất lên tiếng khóc của em bé, thì họ hàng hai bên, bà con hàng xóm đã thêm một lần chúc phúc cho Thanh Tùng-Trúc Phương. Giờ nhìn hai cháu Võ Đức Minh, Võ Thanh Ngọc nhí nhảnh bên bố mẹ, tôi lại càng thêm mừng cho gia đình nhỏ của Võ Thanh Tùng. Năm xưa, dẫu không chung chuyến xe đò với Trúc Phương, thì tôi vẫn tin duyên số sẽ đưa Tùng-Phương đến với nhau.
Ở Tùng có một nghị lực, niềm tin phi thường. Khi xuống bể bơi, Tùng còn có niềm tin lớn hơn bởi quyết tâm “không có thành tích thì không ai biết đến mình”. Cũng có thể, sinh ra trong gia đình nghèo nên Tùng phải tự mình bứt lên dù bước đi trên đôi chân tật nguyền. Năng lượng trong Tùng thật mạnh mẽ. Tôi cứ nhớ mãi buổi tối cách đây mấy năm, ăn tiệc cùng Tùng trong một gia đình trên phố cổ Hà Nội. Gia chủ vì yêu mến tài năng của Tùng nên tiếp đón vô cùng trọng thị. Buổi tối đó, tôi thấy Tùng đích thị là ngôi sao tỏa sáng. Mọi người từ kinh ngạc đến ngỡ ngàng vì những chuyện anh làm được. Ai nấy đều có chung suy nghĩ: Người bình thường kiếm sống còn khó, huống hồ là người khuyết tật. Nhưng Tùng đã góp phần giúp xã hội thay đổi định kiến về người khuyết tật, rằng họ khuyết tật chứ không khuyết tài. Điều này, hẳn Trúc Phương đã nhìn ra từ sớm.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/nen-duyen-tu-chuyen-xe-do-663708