Nên giảm, bỏ phí, thuế áp dụng trên cùng một loại tài nguyên khai thác sử dụng?
Việc có nên giảm, bỏ bớt phí, thuế áp dụng trên cùng một loại tài nguyên khai thác sử dụng hay không là một trong những nội dung thu hút được sự quan tâm của xã hội thời gian qua. Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Tài chính cũng đã giải đáp đối với cử tri cả nước nói chung và cử tri tỉnh Tây Ninh nói riêng.
Mới đây, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh do Ban Dân nguyện chuyển tới tại Công văn số 223/BDN ngày 15/6/2020, Văn phòng Chính phủ chuyển tới tại Công văn số 5301/VPCP-QHĐP ngày 01/07/2020 về việc xem xét giảm hoặc bỏ bớt phí, thuế áp dụng trên cùng một loại tài nguyên khai thác sử dụng.
Cụ thể, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, theo phản ánh của Đoàn Đại biểu tỉnh Tây Ninh, hiện nay, đối với nước mặt, nước ngầm khi khai thác thì doanh nghiệp phải chịu phí, thuế bao gồm: Thuế tài nguyên nước theo Thông tư số 152/2015/TT-BTC, đóng tiền dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và tiền cấp quyền khai thác nước theo Nghị định số 82/2017/NĐ-CP. Do vậy, tỉnh Tây Ninh kiến nghị nên giảm hoặc bỏ bớt phí, thuế áp dụng trên cùng một loại tài nguyên khai thác sử dụng.
Về vấn đề này tại Công văn số 9502/BTC-CST gửi Đoàn Đại biểu tỉnh Tây Ninh, Bộ Tài chính cho biết, theo Điều 64 Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13, các khoản thu ngân sách nhà nước đối với tài nguyên nước gồm: Thuế tài nguyên nước và các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; Các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí; Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, mỗi khoản thu ngân sách nhà nước về tài nguyên nước có vai trò và mục tiêu khác nhau. Theo đó, thuế tài nguyên là khoản thu khi tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế, là công cụ kinh tế để tăng cường quản lý nhà nước đối với tài nguyên, góp phần khuyến khích việc khai thác, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, có hiệu quả.
Trong khi đó, phí là khoản tiền mà khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp cung cấp các dịch vụ công; Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước (không mang tính chất bù đắp chi phí). Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là khoản thu mà tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất thuộc các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định số 82/2017/NĐ-CP phải nộp.
Như vậy, có thể thấy, hệ thống chính sách thu ngân sách nhà nước đối với tài nguyên nước là đầy đủ, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu quản lý tài nguyên nước khi ban hành chính sách, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Trong khi đó, đối với tiền dịch vụ môi trường rừng, theo quy định của Luật Lâm nghiệp (khoản 2 Điều 63) thì đối tượng sử dụng tài nguyên nước phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gồm: Cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện; Cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch.
Hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng là bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền trực tiếp cho bên cung ứng dịch vụ hoặc ủy thác qua quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Như vậy, tiền dịch vụ môi trường rừng không phải là khoản thu ngân sách nhà nước về tài nguyên nước.