Nên giảm thời gian đóng BHXH, tăng quyền lợi khi hưởng lương hưu
Nhiều bạn đọc cho rằng bên cạnh việc giảm thời gian đóng bảo hiểm hưởng lương hưu xuống thì nên tăng quyền lợi cho người lao động khi về hưu.
Sau bài viết "Tránh việc rút BHXH một lần: Cần sớm sửa luật", “Sẽ giảm thời gian đóng bảo hiểm hưởng lương hưu xuống 15 năm” đăng tải trên báo Pháp Luật TP.HCM, chúng tôi đã nhận được nhiều bình luận của bạn đọc.
Các bài viết cho rằng pháp luật về chính sách BHXH cần tiếp cận sát thực tế hơn, có lợi cho người lao động hơn. Đồng thời, bài viết thông tin Bộ LĐ-TB&XH cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ, Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế hưởng BHXH một lần. Mục đích nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động (NLĐ) tham gia BHXH để hưởng lương hưu.
Cụ thể, dự luật BHXH đề xuất giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; bổ sung các quyền lợi, nhất là các quyền lợi ngắn hạn để gia tăng sự hấp dẫn, tạo động lực cho NLĐ tham gia BHXH.
Những bài viết trên đã thu hút nhiều bình luận của bạn đọc. Đa số bạn đọc cho rằng bên cạnh việc giảm thời gian đóng bảo hiểm hưởng lương hưu xuống thì nên tăng quyền lợi cho người lao động khi về hưu. Đồng thời cần xem xét lại tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ chân tay.
Giảm thời gian đóng BHXH phải giảm tuổi nghỉ hưu
. “Đừng giải thích nhiều về việc lợi hại của việc rút BHXH một lần nữa, người lao động họ biết cả. Nhưng vì cái khó bó cái khôn. Hãy hành động ngay như nội dung bài viết là con đường duy nhất để ngăn chặn tình trạng rút BHXH một lần. Đảm bảo được sức mạnh của sự chỉ đạo quyết liệt về ổn định BHXH ngày càng lớn mạnh”- bạn đọc Dangle93707
. “Tôi đồng tình với bài viết, lẽ ra khi tăng tuổi để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì năm đóng sẽ tăng dần mỗi năm 3 tháng công tác, đằng này tăng 5 năm liên tiếp gây quá sốc cho NLĐ. Khi nghỉ hưu 2018 chỉ cần 30 năm với Nam đã được 75%, 2022 cần đóng thêm 5 năm nữa nên ai nghỉ sau 2022 quá thiệt thòi. Tôi nghĩ nếu không sửa luật ngay bây giờ thì người rút một lần còn tăng, hệ lụy còn nguy hiểm hơn…”- bạn đọc Hello Gaming
. “Tôi sinh năm 61 về hưu hưởng 75% lương. Bản thân tôi qua 2 giai đoạn trước là làm doanh nghiệp và đoạn sau là lái xe sự nghiệp. Trải qua 41 năm đóng bảo hiểm liên tục đến nay nhân đượ̣c 4 triệu đồng thì sống sao được. Ăn còn không đủ...”- bạn đọc Tiến Lâm.
. “Như tôi nay 45 tuổi đã đóng 17 năm, vậy chỉ 3 năm nữa là đủ số năm đóng, lúc đó tôi 48 tuổi hay 50 gì đó, mà số tiền tôi đóng từ 2300 đến hiện giờ là 8.000.000 đồng, như số năm hưu đã quy định hiện giờ là 62 mới hưu, như vậy tôi phải chờ 12 năm nữa, như thế thử làm một bài toán khi đến 19 năm tôi rút một lần và bỏ vô ngân hàng trong 12 năm thử tính lãi sẽ rõ. Ở đây tôi không xúi cho ai làm theo, nhưng tôi nghĩ BHXH nên cân nhắc giảm tuổi đến hưu cho khối ngoài nhà nước là đều hợp lý nhất. Nếu giảm tuổi hưu xuống còn 55 đến 57 là hoàn toàn hợp lý, lúc đó có lẽ mọi người sẽ đồng lòng mà hướng đến chuyện có lương hưu”- bạn đọc Thanhpham.
. “Tuổi các cụ khoảng 60 tuổi trở lên thì còn sống thọ chứ lớp trẻ không mấy người sống thọ, nhiều người chưa được cầm sổ hưu đã chết rồi, thời gian đóng bảo hiểm thì quá lâu, có người thì đóng được 25, hoặc 30 năm nhưng đến 45, hay 50 tuổi bị mất sức lao động. Vậy trong thời gian chờ đến tuổi lĩnh lương hưu thì người ta sống bằng cái gì, mà đã là người mất sức lao động thì nhiều khoản phải chi tiêu. Mong là có giải pháp phù hợp để cho người lao động ai cũng dễ tiếp cận được lương hưu thì tốt biết bao. Cảm ơn tác giả bài viết, đã đóng góp tiếng nói cho người lao động chúng tôi, xin cảm ơn nhiều!” – bạn đọc Tvu456485.
. “Trước kia nam 55 tuổi còn cố được, bây giờ 62 mấy ai còn lao động trong doanh nghiệp được nữa, chỉ trừ người ngồi bàn giấy. Nghỉ sớm thì lương thấp chi bằng rút một cục còn có một món để chi tiêu. Người lao động trực tiếp thì đa phần nghỉ ở chế độ mất sức khỏe nên lương rất thấp. Thật đáng buồn”- bạn đọc Hoandb66.
. “Hiện nay, các doanh nghiệp đang thực hiện cơ chế trẻ hóa lao động. Đối với những NLĐ ở độ tuổi khoảng 45 tuổi thì có khả năng cao sẽ phải nhường chỗ lại cho lớp trẻ. Khi NLĐ chưa hết tuổi lao động đã nghỉ việc và phải chờ hơn 10 năm nữa mới đến tuổi nhận lương hưu thì trong khoảng thời gian ấy NLĐ sẽ sống như thế nào?”- bạn đọc Tâm Thanh.
. “Đối với những người làm việc trí óc thì có thể làm việc đến 70 tuổi cũng được. Thế nhưng với những công nhân làm công việc chân tay, làm ban đêm, công việc nặng nhọc thì chỉ làm nổi đến 50 tuổi chứ khó có người làm được đến 60 tuổi. Vì thế, khi sửa luật cần xem lại những NLĐ làm ngành nghề chân tay thì nên giảm tuổi nghỉ hưu để họ có thể đảm bảo sức khỏe khi về già”- bạn đọc Dung Ngọc.
. “Vấn đề ở đây không phải số năm đóng bảo hiểm mà ở đây NLĐ rất lo ngại biết khi nào mới nhận được lương hưu. Có những trường hợp vừa đến tuổi nghỉ hưu thì đã chết. Vậy nên họ có suy nghĩ thay vì cố gắng đóng để nhận lương hưu thì rút BHXH một lần mới họa may họ còn để hưởng. Khi sửa luật cần lưu ý để tránh thực tế này”- bạn đọc Van Khoa Pham.
. “Nguyện vọng của NLĐ tham gia đóng BHXH là rất chính đáng. Vì thế các cơ quan ban ngành phụ trách quản lý BHXH cần phải tiếp thu ý kiến của NLĐ. Việc giảm thời gian đóng BHXH thì cũng cần phải rút ngắn tuổi nghỉ hưu đối với nam và nữ. Đồng thời, nên nâng mức hưởng % của lương hưu tối thiểu”- bạn đọc Trần Minh.
. “Lý do người lao động rút BHXH một lần là do thời gian đóng quá dài, chờ tuổi nghỉ hưu cũng dài. Nhà nước cần sửa đổi thời gian đóng BHXH giảm xuống còn 15 năm là phù hợp. Nếu điều chỉnh như vậy chắc chắn sẽ nhiều người lao động sẽ tham gia”- bạn đọc Tantd1000.
Nâng quyền lợi người nhận lương hưu
Bên cạnh về đề xuất xem xét lại tuổi nhận lương hưu đối với NLĐ chân tay thì nhiều bạn đọc cũng nêu ý kiến tăng thêm quyền lợi cho NLĐ khi nhận lương hưu.
. “Giảm thời gian đóng bảo hiểm xuống nhưng tuổi nghỉ hưu không giảm (tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên như cũ), thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. NLĐ khi đã đóng đủ 30 năm BHXH mà theo quy định nếu về hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2%/1 năm khiến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng. Khi cảm thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng thì NLĐ sẽ nghĩ ngay đến chuyện rút BHXH một lần cho xong. Vì thế, khi sửa luật cũng cần nên xem lại những quyền lợi đi kèm. Ví dụ, đối với những NLĐ đã có thời gian đóng BHXH trên 30 năm thì có thể nghỉ hưu trước mà không bị trừ % mức lương hưu”- bạn đọc Thành Nhân.
. “Hưởng hưu trí đa tầng là hướng tích cực nhất để người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần, bởi đó là mong muốn của mọi người lao động, thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít thì hưởng ít đó là nguyên tắc, và không nên áp đặt tuổi nghỉ hưu như luật hiện hành - Tôi dám khẳng định người lao động sẽ không rút bảo hiểm xã hội một lần như thực trạng hiện tại nữa”- bạn đọc Tuy Nguyen Thanh.
. “Việc đề xuất giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm theo tôi là hợp lý nhằm giảm số lao động rút BHXH một lần. Tuy nhiên, cần xem lại mức lương hưu bởi theo quy định hiện nay thì có nhiều NLĐ khi về hưu nhận lương hưu rất thấp. Trong khi đó, vật giá thì ngày càng leo thang. Nếu một người một tháng chỉ nhận được ba triệu đồng thì làm sao đủ chi tiêu trong gia đình. Thế nên cần có cách tính mức lương hưu và để khuyến khích NLĐ không rời khỏi hệ thống BHXH thì nên có mức hưởng 100% lương bình quân hằng tháng nếu tham gia BHXH trên 30 năm. Ngoài ra, cần xem lại hệ số trượt giá. Có như thế thì hệ thống an sinh xã hội mới đảm bảo bền vững”- bạn đọc Thanh Thủy.