Nên giao cho Đoàn Đại biểu Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng Nhân dân giám sát chung chuyên đề

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề tại địa phương nên giao cho Đoàn Đại biểu Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng Nhân dân giám sát chung, mà không tách riêng, để tránh sự lãng phí trong công tác tổ chức.

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) bày tỏ đồng tình với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu cho rằng báo cáo đã đánh giá khá đầy đủ kết quả, phân tích ưu điểm, hạn chế. Bên cạnh đó, Đại biểu cũng phản ánh còn có những bất cập trong tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề tại địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé ghi nhận giám sát chuyên đề đã có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện của mỗi chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn có những bất cập như vừa phân công cho Đoàn Đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát, vừa phân công cho Thường trực Hội đồng nhân dân tổ chức giám sát. Như vậy, cùng một lúc, cùng một chủ đề và cùng một đơn vị chịu sự giám sát của 2 đoàn cơ quan dân cử tại địa phương giám sát.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) tham luận.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) tham luận.

Mặt khác, tại các đơn vị, địa phương được chọn đến giám sát thực tế sẽ có 2 lần làm việc với Đoàn giám sát Trung ương. Tại địa phương được chọn giám sát sẽ có đến 4 lần giám sát về cùng 1 vấn đề. Trong khi đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương còn tổ chức giám sát riêng, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân cũng giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho biết thêm, thực tế tại địa phương Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có chung cơ quan giúp việc. Như vậy việc xây dựng báo cáo tổng hợp, giúp việc phục vụ hoạt động giám sát cũng chỉ có bộ máy cán bộ đó. Cùng với đó, thành phần tham gia đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương và của Thường trực Hội đồng nhân dân giám sát chuyên đề tại địa phương cũng là như nhau. Từ những phân tích trên, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng cách làm đó chưa thực sự khoa học, tiết kiệm.

 Các Đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp ngày 27/5.

Các Đại biểu Quốc hội tham gia phiên họp ngày 27/5.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé, không phải cứ tổ chức nhiều cuộc giám sát, nhiều cuộc làm việc là đem lại hiệu quả, mà muốn nâng cao chất lượng giám sát thì phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong đoàn giám sát, phải nghiên cứu, phân tích, đánh giá cho trúng vấn đề, kiến nghị phù hợp và đeo bám để theo dõi việc giải quyết của cơ quan chức năng.

Từ những vấn đề trên, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề tại địa phương nên giao cho Đoàn Đại biểu Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng Nhân dân giám sát chung, mà không tách riêng, để tránh sự lãng phí trong công tác tổ chức. Đồng thời, Đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi Đoàn giám sát Trung ương đến địa phương làm việc trực tiếp không nên giao cho Đoàn Đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát lần trước nữa để tránh sự trùng lặp trong hoạt động giám sát.

 Đại biểu Quốc hội Siu Hương (đoàn Gia Lai) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Siu Hương (đoàn Gia Lai) phát biểu ý kiến.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Siu Hương (đoàn Gia Lai) bày tỏ đồng tình với dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá sát với tình hình và kết quả thực hiện, chất lượng hoạt động giám sát ngày một nâng cao…

Đại biểu Quốc hội Siu Hương cho rằng, các hoạt động giám sát đã tác động mọi mặt đến đời sống xã hội, qua hoạt động giám sát đã cho thấy cái nhìn tổng quan trong việc thực hiện văn bản pháp luật, thực hiện các chương trình, chính sách để có giải pháp hoàn thiện.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận.

Để hoàn thiện nghị quyết, Đại biểu Siu Hương đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo công bố thời gian giám sát các nội dung để đảm bảo phù hợp, không tập trung quá nhiều các cuộc giám sát vào thời điểm cuối năm và đầu năm kế tiếp. Đồng thời, đề nghị quan tâm chỉ đạo việc tổng hợp sau giám sát chuyên đề của Đoàn Đại biểu Quốc hội, chuyển các kiến nghị đến các cơ quan, tổ chức có liên quan xem xét, giải quyết và phúc đáp đến Đoàn Đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo các kiến nghị được giải quyết kịp thời.

Đại biểu Siu Hương cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về phương thức tổ chức hoạt động khảo sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố để nâng cao hoạt động khảo sát.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nen-giao-cho-doan-dai-bieu-quoc-hoi-phoi-hop-voi-thuong-truc-hoi-dong-nhan-dan-giam-sat-chung-chuyen-de-post249401.html