6 cựu du học sinh nhận giải thưởng 'New Zealand Outstanding Alumni Award' có những chia sẻ sau quá trình trải nghiệm nền giáo dục và tiếp thu văn hóa xứ kiwi.
Nhớ lại những năm tháng được học tập và huấn luyện tại New Zealand, Nguyễn Quang Đạt cho biết: "Tôi chọn cụm từ ‘sự tử tế’ để nói về con người nơi đây. Nếu để dịch ra tiếng Anh, ‘sự tử tế’ sẽ bị mất một trong hai lớp nghĩa. Sự tử tế vừa là ‘kindness’ vừa là ‘dignity’ - hai điều tôi cảm thấy quan trọng bậc nhất của cá nhân, một tổ chức hay nói rộng ra là cả một nền giáo dục. Tôi tìm thấy cả hai điều này trong 2 năm may mắn được trải nghiệm nền giáo dục của New Zealand".
Nguyễn Bảo Trâm khẳng định quá trình học tập tại New Zealand giúp chị cả về hành trình phát triển sự nghiệp lẫn trải nghiệm sống. Trong đó, vấn đề phát triển bền vững đã tác động không nhỏ đến tầm nhìn, quan điểm lãnh đạo, cũng như phong cách sống của nữ quản lý tại Lazada Việt Nam.
Chia sẻ cảm nhận của mình về nền giáo dục New Zealand, Nguyễn Minh Dũng cho hay anh ấn tượng nhất với văn hóa tôn trọng của người kiwi: "Tại đây, người học tôn trọng giáo viên, môi trường, cuộc sống và giáo viên cũng tôn trọng học sinh, khuyến khích học sinh nói lên ý kiến của mình. Du học sinh được tôn trọng về bản sắc văn hóa, nguồn gốc cho dù đến từ bất cứ đâu".
Lê Bá An Bình là một trong 6 sinh viên Việt Nam đầu tiên nhận học bổng của Chính phủ New Zealand (NZS) vào năm 2000. Trở về Việt Nam, anh đã gặt hái không ít "trái ngọt" trên hành trình sự nghiệp, cũng như đóng góp tích cực cho xã hội, nhờ công thức đúc rút được từ quá trình học tập tại xứ kiwi: Duy trì thái độ học tập suốt đời, học từ môi trường làm việc (70%), học từ những người hướng dẫn, lãnh đạo, đồng nghiệp (20%) và học bổ sung chuyên môn (10%).
Chị Lê Thị Mỹ Hạnh chia sẻ: "Giáo dục New Zealand giúp người học phát triển kỹ năng làm việc nhóm để có thêm nguồn lực giải quyết vấn đề hiệu quả. Ngoài ra, kỹ năng làm việc, tư duy độc lập và xây dựng quan hệ đối tác cũng quan trọng. Chúng ta thường cho rằng ý tưởng mới của mình là tốt nhất, nhưng để ý tưởng được chào đón cần có các đồng nghiệp ủng hộ và hợp tác. Đó là lúc mình cần kết hợp đồng nghiệp, biết cách làm việc và kêu gọi họ ủng hộ ý tưởng của mình. Từ đó, bạn sẽ học được thêm kỹ năng thuyết phục và thỏa hiệp".
Khác với cựu du học sinh New Zealand khác, chị Trịnh Thúy Liên đặc biệt tâm đắc với châm ngôn “What’s easy now was once hard” (tạm dịch: Vạn sự khởi đầu nan) và triết lý sống của người Maori “He aha te mea nui o te ao? He tangata! He tangata! He tangata!” (tạm dịch: Điều gì quan trọng nhất trên thế giới? Đó là con người! Con người! Con người). Đây chính là kim chỉ nam tiếp thêm động lực cho chị trong suốt thời gian học tập, sinh sống và làm việc tại đất nước kiwi.
Nhận định về 6 cựu du học sinh xuất sắc, Đại sứ Wendy Matthews khẳng định các cá nhân này đã thể hiện tư chất lãnh đạo nổi bật và có nhiều thành tựu đáng tự hào trong sự nghiệp, trở thành nguồn cảm hứng cho các học sinh sinh viên Việt Nam hiện tại và tương lai. “Chúng tôi tự hào về cộng đồng cựu du học sinh đa dạng và có nhiều đóng góp đặc biệt trong các lĩnh vực từ kinh doanh, hàng không, công nghệ thông tin đến ẩm thực, y tế và tác động chính sách trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Cựu du học sinh là một phần không thể thiếu trong mối quan hệ song phương giữa hai nước New Zealand - Việt Nam với bề dày 45 năm”, bà khẳng định.