Nên giúp khách hàng 'sống sót' để trả nợ!

Các chính sách giúp giảm nhẹ khoản vay tiêu dùng phải trả hàng tháng nhằm giúp khách hàng 'sống sót' để trả nợ sẽ giúp hạn chế phần nào khả năng xảy ra nợ xấu.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết dư nợ vay tiêu dùng của 16 công ty tài chính hiện giảm hơn 67.000 tỉ đồng so với cuối năm 2022 nhưng tình trạng nợ xấu lại tăng, chiếm tỷ lệ 5-10%, thậm chí là 20% ở một số công ty khiến họ lâm vào tình trạng thua lỗ do phải tăng trích dự phòng rủi ro nợ xấu.

Cũng ở cuộc hội thảo về thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và vấn đề thu hồi nợ diễn ra hồi giữa tuần qua, VNBA cho hay, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng năm 2023 là gần 3,7% tổng dư nợ, tăng so với khoảng 2% trong các năm 2018-2022. Nợ xấu tăng cao ngoài yếu tố khách quan là khó khăn chung của nền kinh tế, lý do được VNBA nhấn mạnh nhất tại hội thảo là tình trạng các hội nhóm rủ nhau “xù nợ” đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội(1).

Theo số liệu được công bố tại cuộc hội thảo nói trên, Việt Nam có 84 tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng, trong đó có 16 công ty tài chính. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng lên đến 2.703.000 tỉ đồng, chiếm hơn 21% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong số này dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính là hơn 134.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.

Trong suốt một thời gian dài, tình trạng đòi nợ kiểu giang hồ xảy ra với người vay tiêu dùng quá hạn khá phổ biến. Trang tinnhanhchungkhoan.vn đưa tin, Công an tỉnh Tiền Giang triệt phá một nhóm đòi nợ bằng cách cưỡng đoạt tài sản mà đứng đằng sau họ là Công ty Luật TNHH Pháp Việt. Công ty này đã mua lại các khoản nợ, đòi nợ thuê cho các chi nhánh ngân hàng, các công ty tài chính với trên 2,6 triệu hợp đồng. Số tiền đòi được là gần 1.000 tỉ đồng.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng đòi nợ kiểu giang hồ này, theo Cục Cảnh sát hình sự là có thiếu sót trong quản lý hoạt động bộ phận thu hồi nợ của các ngân hàng, công ty tài chính để các đối tượng tội phạm móc nối, ký kết các hợp đồng mua bán nợ, ủy quyền thu hồi nợ, tư vấn pháp lý, tư vấn tài chính… nhưng thực chất là đòi nợ thuê(2).

“Xù nợ” là sai nhưng đòi nợ kiểu giang hồ cũng sai. Nên chăng các tổ chức cho vay tiêu dùng xây dựng thêm chính sách để hỗ trợ người vay – những trường hợp chẳng may rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhằm tạo điều kiện giúp họ có thể thanh toán dần nợ vay thì sẽ giảm được một phần tình trạng “xù nợ”. Bán đứt khoản nợ xấu là cách làm dễ nhất để thu hồi nợ xấu nhưng nó cũng bộc lộ những tác động tiêu cực cho xã hội, như tình trạng đòi nợ bất chấp theo kiểu giang hồ, rủ nhau “xù nợ” như nói ở trên và mối thiện cảm mà các bên cho vay cần vun đắp nơi khách hàng cũng vơi đi ít nhiều.

Nhìn kỹ một chút, xây dựng chính sách hỗ trợ khách hàng vay tiêu dùng vào thời điểm khó khăn cũng không phải là quá khó. Chẳng hạn một ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cho vay tiêu dùng qua thẻ ngân hàng với thời hạn trả dần hàng tháng lên đến 60 tháng. Ngân hàng này còn linh hoạt điều chỉnh lãi suất cho vay theo thời điểm, lúc cao nhất cũng chỉ 21%/năm và hiện tại là 17%/năm.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng Việt Nam khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay tiêu dùng qua thẻ cũng tăng lên ngay, đến hơn 30%/năm nhưng khi lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay cũng không được giảm đi. Ngoài ra, thời hạn cho vay qua thẻ cũng chỉ tối đa 12 tháng, không có thời hạn dài hơn.

Thiết nghĩ, các chính sách giúp giảm nhẹ khoản vay tiêu dùng phải trả hàng tháng nhằm giúp khách hàng “sống sót” để trả nợ sẽ giúp hạn chế phần nào khả năng xảy ra nợ xấu. Đây là điều mà các tổ chức cho vay tiêu dùng cần hướng đến trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Mục Nhĩ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nen-giup-khach-hang-song-sot-de-tra-no/