Nền kinh tế Afghanistan sẽ thế nào dưới sự cai trị của Taliban?
Taliban có thể thu lợi hàng tỷ USD mỗi năm từ bắt cóc, tống tiền và buôn lậu hàng hóa. Kinh tế của Afghanistan được dự báo u ám dưới sự cai trị của Taliban. Một trong những vấn đề cấp bách nhất là cạn kiệt đồng USD, đồng tiền mất giá, gây lạm phát.
Người dân chờ đợi rút tiền ở Ngân hàng Kabul Mới ngày 15/8/2021. Ảnh: AP
Giá thực phẩm tăng vọt, tiền mặt không dư dả và một lượng lớn người tị nạn. Theo cựu giám đốc ngân hàng trung ương của Afghanistan, tương lai kinh tế của Afghanistan "có vẻ ảm đạm dưới sự cai trị của Taliban".
"Không may, Afghanistan đã phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, từ dịch bệnh, xung đột đến hạn hán", ông Ajmal Ahmady, cựu lãnh đạo của ngân hàng trung ương Afghanistan, nói với CNN.
Vị này đánh giá trên hết là khó khăn về kinh tế. Người dân Afghanistan sẽ rất khó đối phó. Taliban sẽ gặp khó trong việc quản lý và hoạch định chính sách kinh tế.
"Không rõ các chính sách của họ là gì, ai là người điều hành những chính sách kinh tế cho họ. Họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức và cần nhanh chóng giải quyết", ông nói thêm.
Dù nhận được hàng tỷ USD viện trợ từ quốc tế trong hai thập niên qua, nền kinh tế Afghanistan vẫn còn quá nhiều bất ổn.
Phần lớn số tiền viện trợ nước ngoài đó được đổ vào việc đào tạo cảnh sát và quân đội Afghanistan. Trong khi đó, khoản chi dành cho các sáng kiến như cải thiện cơ sở hạ tầng – vốn sẽ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn hơn – lại không lớn.Điều đó không có nghĩa nền kinh tế Afghanistan không có một số cải thiện từ sự hỗ trợ của quốc tế.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Afghanistan đã tăng từ 4,055 tỷ USD hồi năm 2002 lên 20,561 tỷ USD vào năm 2013.Nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm lại đáng kể từ năm 2014. Tăng trưởng GDP của Afghanistan giảm từ khoảng 14% hồi năm 2012 xuống còn 1,5% vào năm 2015.
Nền kinh tế ghi nhận một giai đoạn phục hồi từ năm 2016 trở đi, nhưng rồi lại suy thoái vào năm ngoái do sự bùng phát của dịch COVID-19 và gia tăng bất ổn trong nước làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu.Tính đến năm 2020, quy mô nền kinh tế Afghanistan chỉ đứng ở mức 19,807 tỷ USD.
Đất nước Trung Đông này vẫn nằm trong số những nước nghèo nhất trên thế giới. Số liệu mới nhất của WB cho thấy chỉ có sáu quốc gia trên toàn thế giới - trong đó có Burundi, Somalia và Sierra Leone - có GDP bình quân đầu người thấp hơn mức 508,8 USD của Afghanistan.
Vấn đề tài chính cấp bách nhất của Afghanistan ở thời điểm hiện tại là cạn kiệt đồng USD. Trước khi thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban, bạo lực và hỗn loạn đã cản trở việc chuyển USD đến Afghanistan.
Hiện, Mỹ đã đóng băng 9,5 tỷ USD tài sản của ngân hàng trung ương Afghanistan và tạm dừng chuyển tiền đến nước này.
Các chính quyền châu Âu dừng viện trợ phát triển. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cắt quyền truy cập vào SDR (quyền rút vốn đặc biệt) của Afghanistan.
Ông Ahmady cảnh báo tình trạng này có thể gây khó khăn kinh tế cho chính quyền mới và người dân Afghanistan.
Cụ thể, đồng tiền Afghani Afghanistan sẽ mất giá, gây lạm phát và đẩy giá lương thực tăng cao. Đồng tiền của Afghanistan đã lao dốc xuống mức thấp kỷ lục sau khi Kabul sụp đổ.
Phụ nữ mua quần áo ở Kabul trước khi Taliban kiểm soát thành phố. Ảnh: AFP
Bên cạnh đó, theo Bloomberg, một thách thức kinh tế cấp bách khác đối với các "nhà cầm quyền" mới là sự thiếu hụt kỹ năng trong những bộ, ban ngành của chính phủ.
Taliban sẽ phải chật vật tìm kiếm các quan chức có thể nhận được sự tin tưởng từ nhà tài trợ và đầu tư nước ngoài.
Tình hình bất ổn tại Afghanistan không ảnh hưởng tới nền kinh tế nước này mà còn dấn tới những tác động to lớn đối với các quốc gia láng giềng.
Trong số này, Pakistandự kiến chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khi nước này vốn đã nhận gần 1,5 triệu người Afghanistan tị nạn và con số đó có thể tăng thêm hàng triệu người nữa khi họ tìm cách rời khỏi quê hương.Các nước láng giềng của Afghanistan ở phía Bắc, bao gồm cả Uzbekistan và Turkmenistan cũng có những quan ngại tương tự.
Thêm vào đó là nguy cơ một số dự án do Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani (người đã rời khỏi Afghanistan vào tối 15/8) đã lên kế hoạch hợp tác với các nước láng giềng không thành hiện thực.
Đáng chú ý trong số này là một tuyến đường sắt chạy qua thủ đô Kabul, nối thành phố Mazer-i-Sharif đặt gần biên giới Uzbekistan với thành phố Peshawar của Pakistan.
Dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho Afghanistan, mà còn cho các nước láng giềng về khả năng chuyển đổi thương mại và giảm chi phí của việc giao thương xuyên biên giới.
Nhưng hiện giờ, tương lai của dự án đang rất mờ mịt. Tương tự như triển vọng vốn đã không mấy chắc chắn của nền kinh tế Afghanistan từ trước những bất ổn trong nước hiện thời