Nền kinh tế Ấn Độ sẽ lớn thứ 2 thế giới?

Những ngày gần đây, dự báo Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang là chủ đề thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Tuyến đường khu vực dinh Tổng thống ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Tuyến đường khu vực dinh Tổng thống ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs có trụ sở tại Mỹ mới đây công bố một bản báo cáo, nổi bật trong đó là dự báo nền kinh tế của Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vượt qua Mỹ vào năm 2075. Tại thời điểm này, vị trí số 1 thuộc về Trung Quốc. Cụ thể, dự đoán vào năm 2075, GDP của Trung Quốc là 57 nghìn tỷ USD; Ấn Độ là 52,5 nghìn tỷ USD; Mỹ là 51,5 nghìn tỷ USD.

Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs chỉ ra rằng, cơ sở cho dự đoán trên là việc Ấn Độ sở hữu nhiều động lực quan trọng để nền kinh tế có thể đạt được tốc độ tăng trưởng nổi trội hơn các cường quốc hiện nay với hỗ trợ chủ yếu nhờ lực lượng lao động lớn, những tiến bộ trong công nghệ và đầu tư vốn ngày càng tăng.

Dễ thấy nhất, Ấn Độ đang là quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người cùng tốc độ tăng dân số mạnh mẽ trong khoảng 4 thập kỷ tới, dự báo đạt đỉnh gần 1,7 tỷ người vào năm 2064. Nhờ vậy, nền kinh tế Ấn Độ được thúc đẩy bởi lực lượng lao động dồi dào.

Song hành với đó, Ấn Độ cũng đang được biết đến là một quốc gia rất phát triển trong việc ứng dụng tiến bộ công nghệ và đầu tư vốn. “Gã khổng lồ” Nam Á này cũng được giới chuyên gia kinh tế quốc tế lâu nay ca ngợi là vùng đất có cơ hội đầu tư lớn nhất thế giới.

Theo giới chuyên gia, Ấn Độ sở hữu một nền kinh tế năng động, liên tục đổi mới và tích cực ứng dụng công nghệ. Trên thực tế, những năm qua, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này liên tục đạt được nhiều tiến bộ về đổi mới, đặc biệt là sự gia tăng năng suất của người lao động sẽ đóng vai trò quan trọng giúp sản lượng cao hơn cho mỗi đơn vị lao động và vốn trong nền kinh tế Ấn Độ.

Thời gian qua ghi nhận làn sóng đầu tư lớn vào Ấn Độ, bao gồm các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Apple, Tesla, SpaceX... Các doanh nghiệp Mỹ đều coi Ấn Độ như một trung tâm cho chuỗi cung ứng của mình thay vì Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia của Goldman Sachs cũng chỉ ra rằng, hành trình của "gã khổng lồ" Nam Á tiến tới vị trí siêu cường kinh tế thế giới sẽ gặp nhiều trở ngại.

Rủi ro lớn và dễ thấy nhất mà Ấn Độ phải đối mặt là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động không đảo ngược xu hướng giảm 15 năm hiện nay. Ấn Độ có thuận lợi về dân số dồi dào, nhưng cũng đi kèm với thách thức về việc phải làm sao để sử dụng hiệu quả lực lượng lao động này. Bài toán đặt ra là phải tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, gắn với tạo cơ hội cho lực lượng này tiếp thu đào tạo, nâng cao kỹ năng...

Đặc biệt, một số tập đoàn lớn nhất của Mỹ hiện nay xâm nhập thị trường Ấn Độ không hề đơn giản, thậm chí còn chật vật. Trên các phương tiện truyền thông quốc tế thời gian qua cho hay, tỷ phú Elon Musk của Mỹ gặp nhiều trở ngại khi mở rộng hoạt động ở Ấn Độ bởi nạn quan liêu, thuế quan cao, sự thống trị của các “ông trùm” kinh tế trong nước, nỗ lực thúc đẩy quốc gia tự lực... khiến doanh nghiệp nước ngoài khó giành thị phần.

Tương tự, Tập đoàn Apple của Mỹ cũng nỗ lực vào thị trường Ấn Độ như một cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách là nhà sản xuất chíp chính. Đây được xem là những yếu tố then chốt cản trở dòng vốn và tăng trưởng trong tương lai của nền kinh tế Ấn Độ.

Giới chuyên gia cho hay, ngay thời điểm hiện tại, Ấn Độ đang cho thấy những đường lối có tầm nhìn xa, điển hình như việc gia tăng hợp tác quốc tế mạnh mẽ. Việc gắn kết quan hệ bền chặt giữa Ấn Độ với các cường quốc trong nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới thời gian qua cũng cho thấy những tín hiệu tích cực về một cuộc cạnh tranh tăng trưởng có những tác động tích cực cho nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới, đặc biệt là bối cảnh hậu đại dịch Covid-19.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nen-kinh-te-an-do-se-lon-thu-2-the-gioi-post463772.html