Nền kinh tế có hồi phục nhanh hay không, tùy thuộc vào quyết tâm, chiến lược cải cách
Theo các chuyên gia kinh tế, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 cho thấy tăng trưởng hồi phục nhẹ qua các quý nhưng vẫn ở mức thấp so với điều kiện bình thường và thấp xa so với mục tiêu.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh bất lợi cả từ bên ngoài và bên trong, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... Tuy vậy, Việt Nam cũng đã đạt được kết quả rất đáng trân trọng, tốc độ tăng trưởng GDP trong 9 tháng 2023 đạt 4,24%, và có xu hướng tăng dần theo thời gian. Quý III là 5,33%, cao nhất so với quý I (3,3%) và II (4,1%), cao hơn Trung Quốc (Quý III: 5,2%), Hàn Quốc (Quý III: 1,4%).
Với đà tăng trưởng như vậy, dự báo cả năm 2023 tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 5,8% (theo ADB dự báo tháng 9/2023), cao nhất trong khu vực Đông Nam Á (Philipines: 5,7%, Indonesia: 5,0%, Malaysia: 4,5%, Thái Lan: 3,5%...).
Bình luận về tình hình kinh tế năm nay, PGS, TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: “Những nỗ lực mở rộng tài khóa và tiền tệ của Chính phủ gần đây đã phần nào giúp doanh nghiệp và người dân chống chọi với những khó khăn, nhưng chưa thể đảm bảo sự hồi phục chắc chắn của nền kinh tế”.
“Trong 11 tháng đầu năm, một điểm sáng ghi nhận là đầu tư công. Tuy nhiên, đầu tư nhà nước tăng tốc nhưng cũng chỉ đạt 75% kế hoạch năm sau 11 tháng. Nguyên nhân là thiếu động lực, vướng pháp lý và giá nguyên vật liệu tăng cao. Trong khi đó, đầu tư tư nhân tiếp tục trì trệ do lãi suất vay giảm chậm, khó tiếp cận với tín dụng, khó phát hành trái phiếu, cổ phiếu, đặc biệt là đầu ra của DN gặp nhiều khó khăn, niềm tin giảm sút”, ông Thế Anh nói.
Đối với tình hình thế giới, PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại, xu hướng năm sau thấp hơn năm trước. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,5%, thì năm 2023 chỉ ở mức 3%. Dự báo năm 2024, kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2,9%.
Quốc hội Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%, tuy nhiên đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.
Dự đoán kinh tế 2024
Nhận định về triển vọng của nền kinh tế, chuyên gia Phạm Thế Anh cho rằng, sự phục hồi của kinh tế trong nước gắn chặt với kinh tế thế giới. Trong thời gian tới, nhu cầu tín dụng cho sản xuất thấp cho tới khi xuất khẩu khởi sắc trở lại, tín dụng hiện tại chủ yếu phục vụ đảo nợ trong lĩnh vực BĐS; kinh tế khó khăn, thị trường BĐS đóng băng, nợ xấu tăng nhanh.
Tuy nhiên, theo ông Thế Anh, điểm sáng của nền kinh tế hiện nay là sự tăng trưởng tích cực của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và sự tăng trưởng trở lại của công nghiệp và xây dựng, sự hồi phục của ngành chế biến chế tạo. Cùng với đó, đầu tư công đang giúp thúc đẩy tăng trưởng của ngành xây dựng. Sản xuất và phân phối điện được cải thiện nhờ thời tiết.
Về xuất khẩu hàng hóa, chuyên gia đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng đã có sự cải thiện trong nửa cuối năm. Điểm sáng là xuất siêu hàng hóa đạt mức kỉ lục 25,8 tỉ USD sau 11 tháng, xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng trong khi điện thoại, thời trang, gỗ gặp khó. Các thị trường mà Việt Nam có mức xuất siêu cao nhất gồm Hoa Kỳ và EU, trong khi Trung Quốc là nơi nhập siêu cao nhất.
“Sự khó khăn của kinh tế Mỹ và EU dự kiến còn kéo dài có thể khiến sự hồi phục của xuất khẩu trong những tháng vừa qua chỉ là tạm thời”, ông Phạm Thế Anh nói.
Tuy nhiên, Việt Nam còn có nhiều kỳ vọng vào đầu tư nước ngoài (FDI). Sau 11 tháng, FDI đăng kí đạt 28,85 tỉ USD (tăng 14,8%); FDI thực hiện đạt 20,25 tỉ USD (tăng 2,8%). Các địa phương dẫn đầu thu hút FDI (trên 1 tỉ USD) có xu hướng chuyển dịch ra phía Bắc gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An, Bắc Ninh.
Các nước và vùng lãnh thổ đứng đầu về FDI vẫn đến từ Đông Á gồm: Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI nhờ các lợi thế: Hướng ra xuất khẩu, hưởng lợi từ các FTA, chi phí nhân công thấp, sự chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Tuy vậy, đầu tư FDI cũng đang gặp phải những yếu tố bất lợi: giá năng lượng cao, thủ tục hành chính còn phức tạp, mất đi ưu đãi về thuế.
Giải pháp về thuế, tiền tệ, lạm phát
Đánh giá về lạm phát, ông Phạm Thế Anh nhận định lạm phát cơ bản tiếp tục giảm chậm, trong khi lạm phát tổng thể có dấu hiệu đảo chiều tăng trở lại do giá điện tăng, giá nhiều loại lương thực tăng, tỷ giá tăng. Tuy nhiên, lạm phát chủ yếu là do chi phí đẩy. Giá cả những nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu tăng chậm thể hiện nhu cầu tiêu dùng yếu (lạm phát do cầu kéo thấp). Dự báo lạm phát khó có thể tăng mạnh trong điều kiện tổng cầu thấp (thu nhập và tài sản sụt giảm), cung tiền và tín dụng tăng chậm.
“Giá cả những nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu tăng chậm thể hiện nhu cầu tiêu dùng yếu. Dự báo, lạm phát khó có thể tăng mạnh trong điều kiện tổng cầu thấp (thu nhập và tài sản sụt giảm), tín dụng tăng chậm. Năm 2024, xu hướng chính sách trong nước sẽ tiếp tục nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng”, ông Thế Anh dự báo.
Chuyên gia Phạm Thế Anh khuyến nghị Chính phủ nên xem xét một số biện pháp tài khóa khác, đó là: Giảm thuế VAT đối với hàng thiết yếu nội địa; phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực. Bên cạnh đó là bổ sung, xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội; nâng mức thu nhập chịu thuế và/ hoặc giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân…
Theo PGS, TS Vũ Sỹ Cường - Chuyên gia Tài chính công, Học viện Tài chính, cho rằng, cần triển khai hoạt động cải cách hệ thống thuế phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiến tới áp dụng một mức thuế suất giá trị gia tăng; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với một số mặt hàng rượu, bia, thuốc lá…
Mục tiêu của Chiến lược cải cách thuế của Việt Nam tới năm 2025, tỷ lệ thu ngân sách Nhà nước trên GDP không thấp hơn 16%, thu thuế đạt 13-14% GDP. Đến năm 2030, tỷ lệ thu NSNN/GDP đạt 16-17%, thu thuế đạt 14-15% GDP.
“Cần tăng mức thu điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà, bổ sung đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Cùng với đó, cải cách thủ tục hành chính thuế và mở rộng áp dụng công nghệ số với ngành thuế”, ông Cường khuyến nghị.
Ông Cường cho biết, so với các nước mới nổi khác ở châu Á thì Việt Nam dựa nhiều hơn vào thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế xuất nhập khẩu, trong đó có thuế TTĐB. Đồng thời, Việt Nam ít dựa hơn vào thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản, trong đó có thuế bất động sản.
Cụ thể, xét về cơ cấu thuế đối với GDP ở Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020, thuế VAT chiếm gần 6% GDP, thuế TTĐB chiếm khoảng 1,7% GDP, thuế sử dụng đất nông nghiệp chiếm 0.03% GDP.
Ngân sách nhà nước trong 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.398,7 nghìn tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán cả năm, giảm 9,2% so cùng kỳ năm 2022. Chi ngân sách nhà nước thực hiện 10 tháng ước đạt 1.357,6 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% dự toán, tăng 11,4% so cùng kỳ năm 2022.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường đề xuất nhiều nhóm giải pháp cần triển khai để cải cách hệ thống thuế để phù hợp với thông lệ Quốc tế. Cụ thể như về thuế giá trị gia tăng cần tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với một số mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá; tăng mức thu điều tiết đối với đất và bổ sung thu thuế đối với nhà, bổ sung đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường...