Nền kinh tế Đức giảm đà cạnh tranh trên thị trường toàn cầu

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, báo cáo đánh giá, do Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) công bố ngày 14/7, cho thấy nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang mất dần cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Cảng hàng hóa ở Hamburg, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Cảng hàng hóa ở Hamburg, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Báo cáo cho biết tình trạng suy yếu của lĩnh vực xuất khẩu Đức trong những năm gần đây đi kèm với việc nền kinh tế này đã mất đi thị phần đáng kể trên thị trường toàn cầu. Từ năm 2017, thị phần xuất khẩu của Đức đã giảm mạnh và từ năm 2021 ngày càng tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến khác. Xuất khẩu yếu đã góp phần đáng kể vào cuộc khủng hoảng mà nền kinh tế Đức đang phải đối mặt, với nguy cơ năm thứ 3 liên tiếp không ghi nhận tăng trưởng.

Theo đánh giá của Bundesbank, hơn 75% thị phần xuất khẩu bị mất trong giai đoạn 2021-2023 là do vị thế cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Đức suy giảm. Tình trạng này diễn ra trên diện rộng, ở nhiều lĩnh vực, trong đó ngành ô tô, cơ khí, chế tạo máy, kỹ thuật điện và các ngành sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất chịu tác động lớn nhất. Các vấn đề về chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng cao là những nguyên nhân chủ yếu. Bên cạnh đó, nhu cầu toàn cầu sụt giảm đối với nhiều mặt hàng chủ lực của Đức như ô tô, phụ tùng ô tô, máy móc, sắt thép, hóa chất... cũng làm giảm thị phần xuất khẩu.

Ngoài các yếu tố bên ngoài, các vấn đề về cơ cấu trong nội tại cũng gây áp lực đối với nền kinh tế Đức. Sự thay đổi nhân khẩu học rõ rệt làm gia tăng tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề trong những năm gần đây, ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực. Gánh nặng thủ tục hành chính và thuế cũng làm giảm đáng kể hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Ngày càng nhiều công ty ở Đức coi đây là rào cản đối với đầu tư của họ.

Nền kinh tế Đức phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, với gần 1/4 tổng số việc làm ở nước này phụ thuộc vào hoạt động ngoại thương. So với các quốc gia khác trong khu vực đồng euro, hay Mỹ và Trung Quốc, sức cạnh tranh của kinh tế Đức đã suy giảm mạnh trên thị trường toàn cầu.

Để khắc phục tình trạng này, Bundesbank kêu gọi thực hiện đồng bộ các biện pháp cải cách: tăng cường các ưu đãi việc làm, giảm bớt rào cản đối với lao động nhập cư lành nghề, triển khai ưu đãi thuế cho đầu tư tư nhân, giảm chi phí năng lượng và giảm gánh nặng hành chính. Cải cách hệ thống an sinh xã hội cũng là điều cần thiết để hạn chế sự gia tăng chi phí và thuế.

Vũ Tùng/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nen-kinh-te-duc-giam-da-canh-tranh-tren-thi-truong-toan-cau/380335.html