Nền kinh tế hồi phục rõ nét trong quý I-2021: Tạo đà để tăng trưởng nhanh hơn

Như Báo Hànôịmới đã đưa tin, mặc dù kinh tế hồi phục rõ nét, với một số thành tựu quan trọng, nhưng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2021 vẫn chưa được như kỳ vọng, đạt 4,48%. Điều này đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, tạo đà để tăng trưởng nhanh hơn trong 3 quý còn lại, hoàn thành mục tiêu 6,5% của cả năm 2021.

Kim ngạch xuất khẩu quý I-2021 của Việt Nam đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng). Ảnh: TTXVN

Những kết quả đáng ghi nhận

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I-2021 tăng 4,48% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kết quả trên cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hương thông tin, một số lĩnh vực quan trọng đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP gồm sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công. Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) Lê Trung Hiếu cho biết thêm, trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3% (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt với mức tăng khá cao 9,45%), đóng góp 55,96% vào tăng trưởng chung. Con số này của khu vực dịch vụ lần lượt là 3,34% và 35,7%.

Đáng chú ý, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu và thúc đẩy mạnh mẽ hầu hết các ngành, lĩnh vực. Kim ngạch xuất khẩu quý I-2021 đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 4 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 54,7% tổng kim ngạch. Nhờ đó, nền kinh tế đã xuất siêu đạt 2,03 tỷ USD trong quý I-2021. Trong khi đó, mức giải ngân vốn đầu tư công trong quý I-2021 qua hệ thống Kho bạc Nhà nước đạt 58.290 tỷ đồng, bằng 13,4% kế hoạch và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công được gia tăng đáng kể và hầu hết các dự án đều trong giai đoạn chuẩn bị triển khai.

“Về tổng thể, kết quả tăng trưởng kinh tế chung cho thấy sức chống chịu, vươn lên của các ngành ngày càng cải thiện rõ nét”, ông Lê Trung Hiếu nhận định.

Quý I-2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Hà Nội ước tăng 5,17% so với cùng kỳ năm 2020. Trong ảnh: Vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Chủ động tăng tốc

Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng GDP nói trên chưa đáp ứng được kỳ vọng và đặt ra yêu cầu cần phải tăng tốc trong thời gian tới. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng 6,5% cả năm 2021, các quý còn lại của năm 2021 đều phải tăng trên 7%, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đã đề ra.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, việc nâng cao chất lượng phục vụ, đồng hành với doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương vẫn là nhiệm vụ quan trọng. “Cần xem xét tiếp tục miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2021, mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính. Đó là những giải pháp thiết thực, phù hợp, nhất là khi nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ gặp khó khăn, đuối sức do phải đối phó với dịch Covid-19. Ngoài ra, cần phát huy lợi thế thành công trong ngăn ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 thời gian qua để tăng niềm tin, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp nói chung”, ông Vũ Tiến Lộc khuyến nghị.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần tiếp tục khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA đã thực thi để tìm giải pháp phát triển thị trường, đồng thời tăng cường xuất khẩu, nhất là với những mặt hàng chủ lực.

Mới nhất, Việt Nam và Vương quốc Anh đã trao đổi công hàm khẳng định Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5-2021. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Quốc Toản, hiện nhiều mặt hàng của Việt Nam đã có thương hiệu, xâm nhập vào nhiều thị trường “khó tính”, do đó Bộ Công Thương tiếp tục ưu tiên các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hỗ trợ các mặt hàng sản xuất trong nước bước ra “sân chơi lớn”.

Còn ông Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) nhận xét, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động xuất khẩu sẽ ngày càng diễn ra sôi động, tăng trưởng liên tục, đóng vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở ngày càng lớn. Vấn đề là doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thời cơ này.

Trong khi đó, để cải thiện kết quả giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã kiến nghị cấp thẩm quyền, các địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh thực hiện và thanh toán vốn các dự án. Các chủ dự án cần lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, về tổng thể, Chính phủ đang chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế; phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, chủ động phòng ngừa và hạn chế những bất ổn của thị trường thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách phù hợp trong việc đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp cho tăng trưởng…

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/995121/nen-kinh-te-hoi-phuc-ro-net-trong-quy-i-2021-tao-da-de-tang-truong-nhanh-hon