Nền kinh tế Mỹ bị đặt vào một ván cờ rủi ro của Tổng thống Trump?

Động thái leo thang cuộc chiến thuế với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây một cú sốc lớn cho nền kinh tế Mỹ mà ngay cả Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khó có thể giải cứu.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) đang gia tăng sức ép buộc Chủ tịch Fed, Jerome Powell (trái), phải hạ lãi suất thêm. Ảnh: theunitedstatesblues.com

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) đang gia tăng sức ép buộc Chủ tịch Fed, Jerome Powell (trái), phải hạ lãi suất thêm. Ảnh: theunitedstatesblues.com

Hôm 31-7, Fed lần đầu tiên hạ lãi suất trong gần 11 năm để giúp giảm nguy cơ nền kinh tế suy thoái do các căng thẳng thương mại và đà tăng trưởng chững lại của kinh tế toàn cầu.

Chỉ 24 tiếng đồng hồ sau đó, Tổng thống Trump tăng nguy cơ này bằng cách thông báo từ ngày 1-9 tới sẽ áp vòng thuế mới 10% lên 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, trong đó bao gồm nhiều mặt hàng tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến các gia đình Mỹ.

Đòn thuế mới chỉ càng làm trầm trọng thêm bức tranh ảm đạm của hoạt động sản xuất trên toàn cầu đồng thời làm tổn hại đến niềm tin của giới kinh doanh và sự lạc quan của người tiêu dùng Mỹ.

“Áp thuế mới có thể gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu. Rủi ro suy thoái đang tăng vì chiến tranh thương mại leo thang”, Kristina Hooper, nhà chiến lược trưởng thị trường ở công ty quản lý đầu tư Invesco, nhận định.

Tổng thống Trump đã gây bất ngờ cho giới đầu tư khi chấm dứt thỏa thuận đình chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào hôm 1-8. Dù đàm phán Mỹ-Trung còn tiếp tục nhưng ông Trump vẫn thông báo áp thuế 10% lên những hàng hóa Trung Quốc đang bán sang Mỹ chưa bị đánh thuế.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sau thông báo đó và làn sóng bán tháo cổ phiếu càng mạnh hơn vào hôm 2-8. Dòng tiền đầu tư chuyển sang các trái phiếu chính phủ, khiến lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ giảm về mức thấp nhất trong nhiều nằm.

“Điều này báo hiệu rằng có rất nhiều lo ngại về việc nền kinh tế toàn cầu đang hướng đến một thời kỳ tăng trưởng trì trệ lớn”, Hooper nói.

Ngoài tác động trực tiếp của vòng áp thuế mới, tình hình leo thang các căng thẳng thương mại có thể giáng một đòn nặng nề cho niềm tin của giới kinh doanh. Diễn biến thất thường của chiến tranh thương mại khiến các giám đốc điều hành khó hoạch định kế hoạch kinh doanh. Thay vì tuyển dụng công nhân và mở các nhà máy mới, nhiều công ty quyết định “án binh bất động”, chờ xem chiến tranh thương mại sẽ có kết cục như thế nào.

“Cuộc chiến thuế đang trở lại và nguy hiểm hơn bao giờ hết đối với nền kinh tế của chúng ta”, Peter Boockvar, giám đốc đầu tư ở Công ty tư vấn Bleakley Advisory Group, viết trong thư gửi cho khách hàng hôm 2-8.

Boockvar cho rằng chỉ có sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng mới giúp nền kinh tế Mỹ thoát khỏi nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, vòng áp thuế mới của ông Trump nhằm vào một loạt chủng loại hàng tiêu dùng Trung Quốc, có thể khiến áo quần, giày dép và hàng điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng... tăng giá.

“Thuế mới sẽ gây ảm đạm cho sức mua của người tiêu dùng”, Boockvar nhận định.

Năm 2018, 42% áo quần và 69% giày dép tiêu thụ ở Mỹ là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, theo Hiệp hội Giày dép và áo quần Mỹ (AAFA).

Nếu thuế mới có hiệu lực, Boockvar cho rằng có nguy cơ cao hơn 50% nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào cơn suy thoái.
Có thể Tổng thống Trump sẽ rút lại lời đe dọa áp thuế nếu thị trường tiếp tục hỗn loạn. Cũng có khả năng kế hoạch áp thuế của Mỹ khiến Bắc Kinh đưa ra các nhượng bộ đủ để hai bên cùng tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát lo ngại chiến lược gây sức ép tối đa đối với Trung Quốc của ông Trump sẽ phản tác dụng và mời gọi đòn trả đũa của Bắc Kinh. Điều này có thể gây thêm áp lực cho nền kinh tế Mỹ.

“Ván cờ của Trump có thể không có tác dụng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thể chịu được cảm nhận rằng ông đang bị Trump đe dọa và buộc phải ký thỏa thuận thương mại với Mỹ”, Michael Hirson, chuyên gia ở tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group.

Bộ Thương mại Trung Quốc nói nước này sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa cần thiết nhưng không giải thích chi tiết như thế nào.

Động thái của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc để tỷ giá nhân dân tệ so với đô la Mỹ vượt qua ngưỡng 7:1 hôm 5-8 được nhiều nhà phân tích xem là một phần nỗ lực trả đũa của Trung Quốc. Một số chuyên gia khác không tin thuế mới 10% nhằm vào 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc sẽ gây bất ổn lớn cho nền kinh tế Mỹ vì Fed có thể ra tay giải cứu bằng nguồn tiền vay giá rẻ (bằng cách tiếp tục hạ lãi suất).

Quyết định hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm của Fed hôm 31-7 được xem là ít ỏi và ẩn chứa thông điệp: Fed vẫn chưa đảo ngược chu kỳ siết chặt định lượng khiến giới đầu tư chứng khoán và Tổng thống Trump thất vọng.

Một số chuyên gia suy đoán Tổng thống Trump leo thang chiến tranh thương mại để buộc Fed phải lắng nghe các lời kêu gọi hạ lãi suất của ông. Đó là một ván cờ rủi ro vì không thể chắc chắn Fed sẽ hành động hoặc việc giảm lãi suất sẽ giúp củng cố nền kinh tế Mỹ?

Win Thin, Giám đốc chiến lược tiền tệ toàn cầu ở Công ty Brown Brothers Harriman, cho rằng với đòn thuế mới chống lại Trung Quốc, ông Trump chấp nhận gây rủi ro suy thoái toàn cầu để buộc Fed phải hạ lãi suất thêm nữa.

Aditya Bhave, nhà kinh tế toàn cầu cao cấp ở Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch, cho rằng Tổng thống Trump gia tăng sức ép với Trung Quốc vì ông tự tin rằng Fed sẽ hạ thêm lãi suất. Bhave cảnh báo nếu Fed tiếp tục hạ lãi suất, chính quyền Trump sẽ càng gia tăng chính sách cứng rắn với Trung Quốc và sẽ đến lúc, Fed cạn kiệt năng lực để chống lại đợt suy thoái kinh tế tiếp theo.

Theo CNN

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292392/nen-kinh-te-my-bi-dat-vao-mot-van-co-rui-ro-cua-tong-thong-trump.html