Nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý 3/2023
* Lạm phát tại Argentina tăng hơn 250%, mức cao nhất trong hơn 3 thập kỷ
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 15/2, Chính phủ Nhật Bản thông báo nền kinh tế nước này bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý cuối cùng của năm ngoái do nhu cầu trong nước yếu.
Thông tin này được công bố đồng thời với việc Nhật Bản xác nhận đã mất vị thế nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức trong năm 2023.
Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á, đã giảm 0,4% hằng năm trong quý từ tháng 10-12/2023 so với 3 tháng trước đó, sau mức giảm 3,3% được điều chỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 7-9/2023.
Hai quý suy thoái liên tiếp có nghĩa là nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái kỹ thuật, đặt ra thách thức với chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong nỗ lực tìm cách đạt được mức tăng trưởng nhờ tăng nhu cầu trong nước đi kèm với việc tăng lương.
Trong quý 4, tiêu dùng tư nhân giảm 0,9% hằng năm và đầu tư doanh nghiệp giảm 0,3%. Xuất khẩu tăng 11%, trong khi nhập khẩu tăng 7%.
Tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế, giảm 0,2%, đánh dấu quý giảm thứ ba liên tiếp, do các hộ gia đình phải chật vật với chi phí sinh hoạt tăng cao và tiền lương thực tế giảm.
Một quan chức chính phủ cho biết tiêu dùng dịch vụ đã chững lại, giá hàng hóa tiếp tục tăng và do mùa Đông ấm áp nên tiêu thụ quần áo ảm đạm từ tháng 10 trở đi.
Chuyên gia Yoshiki Shinke tại Viện nghiên cứu nhân thọ Dai-ichi cho biết các số liệu nói chung là một “bất ngờ tiêu cực” chỉ ra rằng tiêu dùng và đầu tư vốn ảm đạm và “có thể có xu hướng tiết kiệm tiền ngày càng tăng do lạm phát".
Chuyên gia Shinke dự kiến tình hình sẽ còn trượt dốc hơn nữa từ tháng 1-3/2024 do xuất khẩu giảm, điều này có thể đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ suy giảm trong quý thứ ba liên tiếp.
Nhà kinh tế trưởng Toru Suehiro tại Daiwa Securities Co. dự đoán vào thời điểm tiền lương thực tế bắt đầu phục hồi, nhu cầu mua sắm không còn cao và BOJ vẫn sẽ tiến tới chấm dứt chính sách lãi suất âm vào mùa Xuân này như mong đợi của thị trường tài chính.
Nhà kinh tế Yoshiki Shinke cũng dự đoán BoJ có thể sẽ dỡ bỏ lãi suất âm vào tháng Tư, nhưng vẫn hoài nghi về việc liệu nền kinh tế có đủ mạnh để tiếp tục tăng lãi suất liên tục sau đó hay không.
Tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa của Nhật Bản, chưa điều chỉnh theo lạm phát, đạt tổng cộng 4.210 tỉ USD, lớn thứ tư thế giới sau mức 4.460 tỉ USD của Đức, phần lớn là do giá đồng yen giảm mạnh.
Mặc dù nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,9% trong năm dương lịch 2023 nhưng hiện tại vẫn nhỏ hơn Đức.
Nhìn vào xu hướng dài hạn của đồng nội tệ, tốc độ tăng trưởng của Nhật Bản chậm hơn Đức, phản ánh năng suất thấp của nền kinh tế Nhật Bản.
Ở Đức, cải cách thị trường lao động từ những năm 2000 đã cải thiện năng suất và giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty. Sự trượt giá nhanh chóng của đồng yen so với đồng USD cũng là một yếu tố.
Phát biểu họp báo, Bộ trưởng phụ trách phục hồi kinh tế Yoshitaka Shindo nhấn mạnh việc Nhật Bản bị Đức vượt qua cho thấy nước này cần phải thúc đẩy cải cách cơ cấu và tạo ra một giai đoạn mới cho tăng trưởng.
* Theo số liệu do Viện Thống kê và Điều tra Dân số Argentina (INDEC) công bố ngày 14/2, lạm phát trong tháng 1 của nước này tăng 254,2% so với năm ngoái, mức cao nhất trong 32 năm. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 tăng 20,6% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng 25,5% trong tháng 12/2023 - cũng là mức cao nhất trong 3 thập kỷ qua.
Trong khi đó, lạm phát trong tháng 12/2023 đã tăng 211% so với cùng kỳ năm trước. Các danh mục tiêu dùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lạm phát là hàng hóa và dịch vụ hằng ngày, tiếp theo là thực phẩm và đồ uống không cồn, thiết bị gia dụng, dịch vụ bảo trì và y tế.
Ngoài ra, các danh mục khác cũng chịu ảnh hưởng bao gồm giải trí và văn hóa, du lịch - khách sạn - nhà hàng, vận tải, viễn thông, quần áo và giày dép.
Khi lên nắm quyền vào tháng 12/2023, Tổng thống Argentina Javier Milei đã cảnh báo rằng cuộc chiến chống lạm phát của nước này chưa kết thúc.
Tổng thống Milei đã bắt đầu nhiệm kỳ bằng việc phá giá đồng peso hơn 50%, cắt giảm trợ cấp vận tải và nhiên liệu, đồng thời loại bỏ các biện pháp kiểm soát giá cả. Ông Milei dự báo lạm phát sẽ được kiểm soát trong vòng 2 năm.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã đánh giá cao các biện pháp mạnh tay của chính quyền Tổng thống Milei nhằm khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các rào cản đối với tăng trưởng.
Cuối tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thực hiện một đợt giải ngân mới trị giá 4,7 tỉ USD, một phần trong chương trình viện trợ trị giá 44 tỉ USD dành cho Argentina. Tuần trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế Argentina sẽ giảm 2,3% trong năm nay.