Nền kinh tế Pakistan đang trên bờ vực khủng hoảng

Muhammad Radaqat, một người bán rau 27 tuổi, đang lo lắng. Anh không biết tuần tới một củ hành sẽ có giá bao nhiêu chứ chưa nói đến việc làm thế nào mình có thể mua được nhiên liệu cần thiết để sưởi ấm ngôi nhà.

“Tất cả những gì chúng tôi được chính phủ cảnh báo là mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn” - Radaqat nói với CNN.

Sự lo lắng của anh phản ánh tâm trạng của một quốc gia đang chạy đua để tránh khỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Đối mặt với tình trạng thiếu đô la Mỹ, Pakistan chỉ có đủ ngoại tệ dự trữ để thanh toán cho ba tuần nhập khẩu.

Hàng ngàn container vận chuyển đang chất đống tại các cảng và chi phí cho các nhu yếu phẩm như thực phẩm và năng lượng đang tăng chóng mặt. Hàng dài người xếp hàng tại các trạm xăng khi giá cả dao động dữ dội ở đất nước 220 triệu dân.

Sự cố mất điện trên toàn quốc vào tháng trước càng khiến mọi người lo lắng hơn, khiến các mạng lưới vận chuyển gián đoạn và buộc các bệnh viện phải dựa vào máy phát điện dự phòng. Giới chức chưa xác định được nguyên nhân mất điện.

Áp lực đang gia tăng đối với chính phủ của Thủ tướng Shehbaz Sharif trong việc giải ngân hàng tỷ đô la tài trợ khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Quỹ đã cử một phái đoàn đến nước này trong tuần này để đàm phán.

Đồng tiền của Pakistan, đồng rupee, gần đây đã giảm xuống mức thấp mới so với đồng đô la Mỹ sau khi chính quyền nới lỏng kiểm soát tiền tệ để đáp ứng một trong những điều kiện cho vay của IMF.

Nền kinh tế Pakistan đang lao dốc

Nền kinh tế Pakistan đang lao dốc

Chính phủ đã phản đối những thay đổi mà IMF yêu cầu, chẳng hạn như nới lỏng trợ cấp nhiên liệu, vì chúng sẽ gây ra những đợt tăng giá mới trong ngắn hạn.

Maha Rehman, một nhà kinh tế và cựu trưởng bộ phận phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế ở Pakistan cho biết: “Chúng tôi cần thỏa thuận của IMF được thông qua càng sớm càng tốt để cứu một con tàu đang chìm dần”.

Pakistan đang trải qua cái mà các nhà kinh tế học gọi là khủng hoảng cán cân thanh toán. Đất nước này đã chi tiêu cho thương mại nhiều hơn những gì mà nó mang lại, làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ và khiến giá trị của đồng rupee lao dốc.

Những động lực này làm cho các khoản thanh toán lãi cho khoản nợ từ những người cho vay nước ngoài thậm chí còn đắt đỏ hơn và đẩy chi phí nhập khẩu hàng hóa lên cao hơn, đòi hỏi phải giảm dự trữ ngoại tệ, gây ra tình trạng khó khăn.

Đất nước này cũng đang vật lộn với tình trạng tăng giá tràn lan. Ngân hàng trung ương của đất nước đã tăng lãi suất cơ bản lên 17% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tiêu dùng hàng năm gần 28%.

Theo Tahir Abbas, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư tại Arif Habib, công ty môi giới chứng khoán lớn nhất nước, sự bất ổn chính trị và những nỗ lực hỗ trợ đồng tiền của nước này đã gây áp lực lên hoạt động đầu tư và xuất khẩu.

Lũ lụt lịch sử vào mùa hè năm ngoái cũng dẫn đến những hóa đơn khổng lồ cho tái thiết và viện trợ, làm tăng thêm căng thẳng cho ngân sách chính phủ. Ngân hàng Thế giới đã ước tính rằng cần ít nhất 16 tỷ đô la để tái thiết.

Giá cả tại Pakistan đang tăng vọt

Giá cả tại Pakistan đang tăng vọt

Tuy nhiên, các yếu tố toàn cầu đang làm cho tình hình tồi tệ hơn. Suy thoái kinh tế đã đè nặng lên nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Pakistan, trong khi đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh vào năm ngoái đã gây áp lực lên các quốc gia nhập khẩu khối lượng lớn lương thực và nhiên liệu.

Giá của những mặt hàng này đã tăng đột biến do đại dịch và cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đòi hỏi chi tiêu lớn hơn.

IMF đã nhiều lần cảnh báo rằng điều này có thể gây căng thẳng cho các nền kinh tế dễ bị tổn thương. Mặc dù IMF dự báo rằng các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi sẽ có mức tăng trưởng khiêm tốn trong năm nay khi đồng đô la thoát khỏi mức đỉnh, lạm phát toàn cầu giảm và việc mở cửa trở lại của Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu, nhưng khả năng quản lý gánh nặng nợ vẫn là một mối lo ngại.

Khoảng 15% các quốc gia có thu nhập thấp đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, trong khi 45% khác có nguy cơ cao phải vật lộn để đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán nợ của mình. Thêm 25% các nền kinh tế thị trường mới nổi cũng có nguy cơ rủi ro cao. Tunisia, Ai Cập và Ghana đều đã tìm kiếm gói cứu trợ của IMF trị giá hàng tỷ đô la trong những tháng gần đây.

Anh Duy (theo CNN)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/nen-kinh-te-pakistan-dang-tren-bo-vuc_143386.html