Nên làm gì khi sự nghiệp của bạn đời bế tắc?

Ai cũng có lúc bế tắc trong công việc. Khi ấy, cách người bạn đời ở bên cạnh sẽ quyết định rất nhiều đến việc vực dậy tinh thần và gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Trong đời sống hôn nhân, không phải lúc nào con đường sự nghiệp của cả hai cũng suôn sẻ. Sẽ có lúc chồng hoặc vợ rơi vào giai đoạn bế tắc, khủng hoảng niềm tin, hoặc chững lại giữa những biến động của cuộc sống. Khi ấy, cách người bạn đời đồng hành và hỗ trợ có thể trở thành cứu cánh giúp đối phương đứng dậy, cũng như giữ gìn hạnh phúc gia đình.

 Ảnh minh họa/ Nguồn internet

Ảnh minh họa/ Nguồn internet

Lắng nghe và chia sẻ thay vì chỉ trích

Khi người kia đang hoang mang vì bế tắc công việc, điều họ cần nhất là một chỗ dựa tinh thần. Một số người thường mắc sai lầm khi vội vàng phán xét, trách móc: “Anh/chị đã bảo rồi mà không nghe!”, “Tại sao không tính xa hơn?”… Những lời này chỉ khiến người đang khủng hoảng thêm áp lực, tự ti và xa cách.

Điều quan trọng nhất là lắng nghe. Hãy để người ấy được nói ra nỗi sợ, trăn trở, rồi nhẹ nhàng chia sẻ quan điểm của mình. Đôi khi, chỉ cần một cái gật đầu thấu hiểu cũng đủ để đối phương cảm thấy không cô độc.

Đừng gán nhãn thất bại

Nhiều người vô tình đẩy vợ/chồng vào hố sâu tự ti bằng cách so sánh: “Nhìn người ta mà xem…”, hoặc gán nhãn: “Anh/chị thất bại rồi còn gì”. Một sự nghiệp chững lại không đồng nghĩa với thất bại hoàn toàn. Nó có thể chỉ là một bước ngoặt, một cơ hội nhìn lại và điều chỉnh.

Người bạn đời nên giữ thái độ tích cực, khuyến khích: “Chúng ta sẽ cùng nghĩ cách”, “Em/anh tin anh/chị vẫn còn nhiều cơ hội khác”. Niềm tin của gia đình có thể trở thành động lực rất lớn để người kia dám làm lại từ đầu.

Sẵn sàng san sẻ gánh nặng tài chính

Khi một bên mất thu nhập hoặc công việc trì trệ, gánh nặng tài chính có thể trở thành mầm mống xung đột. Thay vì oán trách, người còn lại nên chủ động san sẻ: tìm cách cân đối chi tiêu, tạm thời gánh thêm phần thu nhập, hoặc linh hoạt hơn với kế hoạch chi tiêu của gia đình. Đây cũng là dịp để hai người ngồi lại thống nhất cách quản lý tài chính minh bạch, tránh để áp lực tiền bạc đẩy cả hai vào vòng xoáy cãi vã.

Cùng nhau mở ra lối đi mới

Sau khi đã lắng nghe, chia sẻ và ổn định tinh thần, người bạn đời có thể đóng vai trò cố vấn, đồng hành trong việc tìm hướng đi mới. Có thể là gợi ý những mối quan hệ, tìm khóa học phù hợp, hoặc giúp đối phương nhìn ra thế mạnh mà bản thân họ không nhận ra.

Nhiều gia đình đã vượt khủng hoảng bằng cách chuyển hướng, vợ hoặc chồng đổi nghề, khởi nghiệp nhỏ, làm thêm… Quan trọng là cả hai phải cùng bàn bạc, đồng thuận, tránh chuyện “giấu nhau tự quyết” dẫn đến thất vọng và rạn nứt.

Đừng quên chăm sóc tinh thần và sức khỏe

Khủng hoảng sự nghiệp dễ kéo theo stress, mất ngủ, thậm chí trầm cảm. Người bạn đời nên để ý dấu hiệu tinh thần, khích lệ chồng/vợ vận động, tập thể thao, gặp gỡ bạn bè để giải tỏa căng thẳng. Khi cần thiết, có thể tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

Không ai chắc chắn được con đường sự nghiệp luôn bằng phẳng. Khi chồng hoặc vợ vấp ngã, cách người còn lại đồng hành sẽ quyết định rất nhiều đến việc gia đình có giữ được bình yên hay không. Hôn nhân hạnh phúc không chỉ là chia ngọt sẻ bùi lúc thăng hoa, mà còn là bệ đỡ kiên cường lúc khó khăn nhất.

Trương Hiền

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/nen-lam-gi-khi-su-nghiep-cua-ban-doi-be-tac-post1552815.html