Nên luật hóa quản lý bảo mẫu
Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về câu chuyện đau lòng khi bé N.T.H ở Hà Nội bị bảo mẫu bắt cóc và sát hại. Trước đó, hàng loạt sự việc đau thương cũng đã xảy ra với các trẻ nhỏ và thủ phạm không ai khác chính là những người giúp việc, bảo mẫu. Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo và đặt ra yêu cầu đối với cơ quan chức năng, các bậc cha mẹ và xã hội về những giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo một môi trường sống an toàn cho trẻ.
Qua các sự việc đau lòng diễn ra vừa qua, bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho rằng, trẻ em là người yếu thế, đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ, do vậy mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em, đặc biệt là quyền sống, đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Để ngăn chặn tình trạng này, theo bà Thủy, các bậc cha mẹ, giáo viên, cán bộ công tác xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần nâng cao trách nhiệm, ý thức cảnh giác trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; chú trọng tới vấn đề giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt là trang bị cho các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ (với những trẻ lớn) những kiến thức, kỹ năng để nhận diện các dấu hiệu, nguy cơ của tội phạm bắt cóc trẻ em, cách thức xử lý trong trường hợp trẻ bị bắt cóc.
Còn Ths Tâm lý học Trương Xuân Thiên cho rằng, thời gian qua, tội phạm nói chung và các hành vi bắt cóc, bạo hành trẻ em nói riêng đang diễn biến khó lường, với sự gia tăng nhanh chóng về số vụ, thủ đoạn gây án tinh vi, liều lĩnh và ngày càng táo tợn hơn đã làm rúng động xã hội, kéo theo sự phẫn nộ của cộng đồng. Đây cũng là một hồi chuông cảnh báo đối với tất cả các gia đình trong việc nâng cao tinh thần cảnh giác, có cách nhận diện sớm với các đối tượng có thể sẽ gây nguy hiểm cho con em mình, để có sự thay đổi, hoặc giải pháp xử lý bảo đảm an toàn cho trẻ.
Để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ, cần phải xác định tiêu chuẩn cá nhân của gia đình với bảo mẫu, có thể bao gồm kinh nghiệm, trình độ học vấn, khả năng chăm sóc trẻ, và các yếu tố về sức khỏe và an ninh. Đặc biệt, cần phải chuẩn hóa thị trường bảo mẫu, có các chương trình nâng cao năng lực, cấp chứng chỉ hành nghề với bảo mẫu… Đồng thời, phải gắn trách nhiệm đối với các trung tâm cung cấp nhân sự, giới thiệu bảo mẫu… từ đó có thể xây dựng được “hàng rào” bảo vệ mềm ngay từ đầu, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trước vấn nạn bạo hành, bắt cóc trẻ em từ các đối tượng bảo mẫu, giúp việc.
Đồng quan điểm này, bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) nhấn mạnh thêm, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân; kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý những suy nghĩ và hành động tiêu cực có thể xâm phạm đến quyền, tính mạng, sức khỏe trẻ em… Đồng thời, phải xây dựng những chế tài đủ mạnh để bảo vệ trẻ em và xử lý những đối tượng có hành vi xâm hại đến tinh thần và thể xác của trẻ em.
Thực tế rất nhiều gia đình ở Thành phố đang phải vận hành theo cách trao con nhỏ cho người ngoài chăm sóc, đưa đón con đi học. Hay nói cách khác, sự an toàn của biết bao nhiêu đứa trẻ đang nằm trong tay của những người giúp việc, bảo mẫu mà không ít người tỏ ra lo ngại, bởi có khi họ chính là “người lạ” với gia đình.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nen-luat-hoa-quan-ly-bao-mau-161098.html