Nên mở lòng nhìn nhận Tết đa dạng, đừng áp đặt

Đối với người Việt, Tết là hồn cốt văn hóa từ xưa đến nay. Ngày Tết, người ta muốn những cái xui xẻo của năm cũ đi qua, để đón nhận một tương lai mới mẻ và may mắn, mọi người khỏe mạnh, xóm làng yên vui.

Đó là những mong ước vĩnh cửu từ ngàn đời nay, là vẻ đẹp của một di sản mà cha ông ta để lại. Tết gắn liền với sự tưởng nhớ tổ tiên, với người sinh thành ra mình, với gia tộc… Tết là dịp đoàn tụ, cả năm đi làm ăn khắp nơi, dịp này ai cũng có nhu cầu về thăm hỏi cha mẹ, ông bà, họ hàng..., điều mà ngày thường người ta ít có dịp.

 PGS.TS Nguyễn Văn Huy - NVCC.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - NVCC.

Tuy nhiên, nhu cầu đối với Tết của mỗi người mỗi khác. Có những người không phải sống xa cha mẹ, xa gia đình, họ sống với nhau ở trong thành phố, sinh hoạt trong thành phố thì nhu cầu lại khác. Nhu cầu về Tết không đồng nhất vì các nhóm xã hội khác nhau có những nhu cầu khác nhau, các nhóm người ở các địa phương, các dân tộc có những nhu cầu khác. Thế nên chúng ta đừng thấy có những người sống ở đô thị muốn đi du lịch trong những ngày Tết mà cho rằng Tết bây giờ không còn nhiều người mặn mà.

Tết vẫn là dịp để đoàn tụ, đoàn viên mà rất nhiều người mong chờ, một nhu cầu thật sự của xã hội. Rồi Tết vẫn là ngày vui của trẻ em, thông qua những hoạt động vui Tết, đón xuân; việc thực hành các nghi lễ ngày Tết, trẻ em sẽ được giáo dục, truyền dạy về văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Chúng ta biết kính trọng người già, cảm thông với người cô đơn, kính thầy yêu bạn bởi chúng ta được trao truyền trong cuộc sống hàng ngày, nhất là qua những cái Tết.

Đặc biệt, nhu cầu về Tết bây giờ ở trong xã hội có sự phân hóa mạnh, cho nên dù truyền thống rất quan trọng nhưng chúng ta không nên quá câu nệ. Không nên quan niệm cứ phải có một bữa cơm tất niên mới là chuẩn bị bước sang năm mới, bắt buộc mọi người phải có mặt ở nhà. Xã hội thay đổi, nhu cầu của các nhóm người, nhóm tuổi thay đổi cho nên chúng ta hãy mở lòng nhìn nhận Tết đa dạng và tùy từng nhu cầu mà có sự thỏa mãn khác nhau, đừng nên có sự áp đặt bắt buộc ai cũng phải giống như ai. Ta ủng hộ người thanh niên không nhất thiết ngày 30 Tết cứ phải ở nhà thắp hương cho tổ tiên; người ta có thể thắp hương trước rồi 30 Tết người ta đi du lịch, không nên vì điều này mà phê phán họ không có ý thức, không tôn trọng văn hóa cổ truyền. Cái quan trọng là tấm lòng, tâm tưởng của mỗi người với tiên tổ, với gia đình.

Và như tôi đã nói, Tết nay đã khác xưa vì thế không nên quá gò bó vào chuyện cỗ bàn, ăn uống. Tuy nhiên, cũng tùy hoàn cảnh mà ứng xử cho phù hợp. Khác với đô thị, nhiều nơi ở vùng cao không có nhiều chỗ vui chơi, trời rét mướt, đi lại khó khăn người ta có thể ngồi bên bếp lửa uống với nhau chén rượu tâm tình thì cũng không nên phê phán họ. Nhưng ngược lại, ở một số vùng quê còn nặng nề tập tục mời khách ăn cỗ ngày Tết, gây ra vất vả cho người phụ nữ thì chúng ta cũng nên vận động xây dựng một nền nếp mới để làm sao ngày Tết giản tiện, bớt đi những áp lực chuẩn bị cỗ bàn đón khách đối với người phụ nữ trong gia đình. Ngày Tết, mọi người gặp gỡ nhau, chào hỏi nhau, uống một chút rượu vui vẻ như để tái cấu trúc mối quan hệ gia đình, họ tộc, xã hội như một truyền thống nhưng cũng cần phải đổi mới và đặc biệt, không nên quá chén dẫn đến say xỉn, bởi nó dẫn đến nhiều hệ lụy không hay.

Thế Vũ (Ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nen-mo-long-nhin-nhan-tet-da-dang-dung-ap-dat-post282090.html