Nền móng vững chắc phát triển nhân lực y tế chất lượng cao
'Mô hình đào tạo bác sĩ nội trú (BSNT) được Bộ Y tế khởi xướng và với vai trò tiên phong của Trường Đại học Y Hà Nội, đã góp phần quan trọng tạo ra nền móng vững chắc cho sự phát triển của nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành y tế và nền y học Việt Nam trong suốt chặng đường 50 năm vừa qua'. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại Lễ kỷ niệm 50 năm đào tạo BSNT, chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2) do Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức sáng 26.2.
Đào tạo khắt khe, bài bản và liên tục
Theo GS.TS.NGND Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học Y Hà Nội, BSNT là một bộ phận nhỏ trong hệ thống y tế, nhưng có vai trò hết sức quan trọng. Đây là nhóm bác sĩ chuyên khoa được đào tạo bài bản nhất, liên tục, sau khi tốt nghiệp 6 năm đại học, với việc kiểm soát chất lượng cao nhất, cả đầu vào và đầu ra. Trong quá trình đào tạo 3 năm, yêu cầu học tập với BSNT cũng cao nhất, từ lý thuyết đến thực hành, lăn lộn với người bệnh và bám sát các hoạt động tại bệnh viện. Có thể nói, BSNT là mô hình đào tạo khắt khe nhất và chất lượng nhất.
Trong 50 năm đào tạo BSNT (1974 - 2024), trường Đại học Y Hà Nội đã đào tạo được 5.159 bác sĩ, trong đó, 40 năm đào tạo được 1.812 bác sĩ; riêng 9 năm gần đây (2015 - 2023) là 3.347 bác sĩ. Số BSNT của trường chiếm 41% số BSNT trong toàn quốc. Trước năm 2015, tỷ lệ sinh viên y tốt nghiệp học BSNT chỉ dưới 10%; từ 2016 đến nay tăng dần từ trên 20% đến hơn 75%. Đặc biệt, trước 2015, 90% BSNT ở lại các trường hoặc các Bệnh viện Trung ương, nhưng sau 2015, tỷ lệ BSNT về bệnh viện tỉnh/thành phố, bệnh viện ngoài công lập tăng lên, khoảng 35%.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, có 106 cựu BSNT tốt nghiệp từ Trường Đại học Y Hà Nội, giữ các vị trí trọng trách của Bộ Y tế; lãnh đạo của các trường đại học thuộc khối ngành sức khỏe; bệnh viện, viện nghiên cứu ở khối bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, thành phố. Nhiều cựu BSNT của Trường Đại học Y Hà Nội là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y học lâm sàng và y học cơ sở, cùng với các học trò của mình đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân...
Trong bất kỳ thời điểm nào, truyền thống BSNT luôn được phát huy hết mình vì nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; là những người tiên phong trong sự nghiệp phát triển của ngành y Việt Nam.
Chia sẻ về vai trò của BSNT trong đợt cao điểm dịch Covid-19, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có những ấn tượng khó quên khi cùng 100 BSNT của Trường Đại học Y Hà Nội vào Bình Dương chống dịch. Các BSNT đến Bình Dương, sống cùng nhau trong 1 trường học, làm mọi việc như điều trị các ca bệnh nặng, chạy Ecmo, lọc máu… dù không phải chuyên ngành, nhưng họ đã học rất nhanh với tinh thần của tuổi trẻ.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, không chỉ trực tiếp cứu chữa bệnh nhân, các BSNT còn có vai trò quan trọng trong đào tạo trực tuyến. Bác sĩ Lê Minh Ngọc (hiện đang học tại Pháp) khi đó được giao phụ trách tầng 5 (là tầng nặng thứ 2 trong hệ thống điều trị Covid-19) gồm các bệnh nhân phải thở máy và chính bác sĩ đã tìm ra sự đặc biệt của virus SARS-CoV-2 rồi triển khai giảng dạy.
Gia tăng về số lượng và chất lượng
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo BSNT tại Trường Đại học Y Hà Nội, không ít ý kiến cho rằng, Trường cần đầu tư mở rộng thêm cơ sở, tăng cường hoạt động thực hành. Công tác tuyển sinh thi đầu vào, đánh giá quá trình học, rồi đánh giá, lượng giá đầu ra đều phải làm chặt chẽ, tuyệt đối nghiêm túc, vì bảo đảm chất lượng là mục đích cuối cùng.
Mặt khác, BSNT là đối tượng đào tạo quan trọng nên cần có chính sách, quy chế phù hợp về tuyển sinh, đánh giá người học cũng như cần có học bổng, lương cho BSNT. Bên cạnh đó, cần những chính sách tuyển dụng ưu tiên ở cả các bệnh viện trung ương và tại địa phương, để khi ra trường họ có nơi làm việc ngay, tránh lãng phí nguồn lực.
Được biết, Trường Đại học Y Hà Nội đang tiến hành đổi mới chương trình đào tạo BSNT toàn diện theo chuẩn quốc tế, xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo dựa trên chuẩn năng lực và phù hợp với yêu cầu mới, đổi mới phương pháp giảng dạy và học, đổi mới đánh giá để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo.
Tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng nghị định quy định đào tạo đặc thù, chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe; Đề án Phát triển nhân lực y tế giai đoạn đến năm 2030, định hướng 2050. Trong đó, chỉ tiêu đào tạo bác sĩ đến năm 2030 là 19 bác sĩ/1 vạn dân; chỉ tiêu về dược sĩ là 3,1 dược sĩ/1 vạn dân vào năm 2025 và trong đó, số lượng bác sĩ có trình độ sau đại học phải đạt ít nhất 50%... Như vậy, những năm tới, vai trò của các trường đại học y, dược; trong đó có Trường Đại học Y Hà Nội là hết sức quan trọng và nặng nề.
Bộ trưởng đề nghị, thời gian tới, Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với các trường đại học y, dược cả nước tổng kết công tác đào tạo BSNT; từ đó tham mưu cho Bộ theo hướng hội nhập quốc tế nhưng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và đề xuất những giải pháp cụ thể, để nâng cao chất lượng đào tạo bác sĩ chuyên khoa theo mô hình đào tạo BSNT. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị của Bộ Y tế rà soát cơ chế, chính sách liên quan đến những loại hình đào tạo đặc thù, trong đó có đào tạo BSNT...